Các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cảng biển và logistics Việt Nam (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam) gửi công văn đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng.
Các hiệp hội thể hiện sự lo lắng khi thời gian qua xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại địa phương, ảnh hướng lớn đến hoạt động của ngành khai thác cảng cũng như gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ cảng.
Các Hiệp hội kiến nghị, trong ngắn hạn, hệ thống lưới điện thành phố Hải Phòng và Quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7.
Đối với trường hợp mất điện do sự cố, do sự kiện bất khả kháng, trong thời hạn 24 giờ, ngành điện cần thông báo cho các cảng (bên mua điện) biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại theo như quy định tại Điều 27 của Luật Điện lực; đồng thời, có văn bản giải trình gửi các cảng trong vòng 8 giờ ngay sau thời điểm khắc phục xong sự cố vì đây là cơ sở quan trọng để cảng thu xếp thông báo, giải trình, phối hợp làm việc với các khách hàng, hãng tàu.
“Đối với trường hợp bắt buộc phải cắt điện nhưng không vì lý do khẩn cấp, cắt điện luân phiên, cắt điện để bảo trì bảo dưỡng lưới điện, đề nghị ngành Điện cần có kế hoạch cụ thể, gửi cho các cảng (bên mua điện) trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất trong 5 ngày bằng cách thông báo trong 3 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi văn bản (ưu tiên) cho các cảng biển”, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành điện cần có giải pháp hỗ trợ, bù đắp thiệt hại cho cảng như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư, chi phí duy trì hoạt động trạm biến áp, máy phát, bảo trì phương tiện…, có các giải pháp hỗ trợ kinh phí cho cảng trong trường hợp tàu phải nằm chờ tại cảng do mất điện, có chính sách trợ giá điện cho cảng để bù đắp các thiệt hại do cắt điện gây ra…
Về dài hạn, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp cảng, logistics tiên phong ứng dụng công nghệ, đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp, hoạt động chuỗi cung ứng lạnh (tại cảng, vận tải, kho bãi…) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng chi phí đầu tư và duy trì hoạt động sản xuất (chi phí điện) rất lớn. Để đa dạng và nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng, các hiệp hội đề xuất ngành Điện sớm hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển biểu giá điện từ biểu giá kinh doanh sang biểu giá sản xuất; xây dựng cơ chế điều hành giá điện hấp dẫn nhằm thu hút, khuyến khích đa dạng thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm ổn định nguồn cung, hạ giá thành bán điện, gia tăng giá trị kinh tế, xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Công Hiếu
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo