Đơn hàng lao dốc, lãi suất ngân hàng tăng cao
DN đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Ngành dệt may bị giảm đơn hàng trong nhiều tháng qua. Những DN càng nhỏ thì số lượng bị thiếu càng lớn. Tỷ lệ giảm đơn hàng của dệt may sẽ từ 20 – 50% tùy vào từng DN.
Trong khi đơn hàng lao dốc thì LS ngân hàng (NH) lại tăng rất cao. Từ đó góp phần đẩy chi phí của DN tăng mạnh, gây áp lực lớn cho hoạt động. Những tháng đầu năm thì các đơn vị đều kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục từ quý 3 nhưng đến nay tín hiệu này vẫn chưa thấy. Do đó chỉ có thể kỳ vọng tình hình sẽ bớt khó khăn hơn từ quý 4/2023 hoặc thậm chí dự báo đến hết năm 2023. Trong bối cảnh này, đề xuất chung của Hiệp hội Dệt may VN là Bộ Công thương thông qua các tham tán thương mại sẽ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng dệt may sang các thị trường khác trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP như Canada, Úc hay một số nước trong khối Liên minh Châu Âu mà VN đã ký Hiệp định EVFTA. Từ đó để tìm kiếm thêm đơn hàng mới khi các thị trường như Mỹ, châu Âu nói chung vẫn còn giảm mạnh. Song song đó, Chính phủ cần xem xét có chương trình cho vay LS ưu đãi đối với DN dệt may hoặc nếu được thực hiện một gói cho DN vay trả lương với LS 0% như đã từng thực hiện trong đại dịch Covid-19. Bởi khó khăn của các DN hiện nay không kém hơn thời Covid-19 bùng phát mạnh.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN
Doanh nghiệp mệt mỏi vì tiếp cận vốn, mệt mỏi vì lãi cao
Tôi nghĩ khó khăn của ngành thủy sản thời gian qua báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều, các đồng chí lãnh đạo ở trung ương cũng đã biết rất rõ. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất là khó khăn của ngành này đã lan tới bà con nông dân nuôi tôm, cá. Giá thu mua tôm hiện nay đã giảm 20.000 – 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Còn các nhà nhập khẩu cá tra đưa ra mức giá chào mua thấp hơn giá thành sản xuất. Ðến khi hợp đồng đã thỏa thuận xong họ lại tạm ngưng nhập hàng hoặc nhận hàng theo nhiều đợt nhỏ. Ðối với người nông dân, tôm cá họ sản xuất ra đang rẻ đi rất nhiều so với năm ngoái nhưng vẫn bán không được vì DN không dám thu mua.
Trong khi đầu ra bó hẹp, DN khó tiếp cận vốn vay hoặc được vay (USD) nhưng với LS lên đến hơn 4% thì không thể chịu đựng nổi để duy trì hoạt động bình thường chứ đừng nói đến chuyện thu mua chế biến dự trữ chờ giá. Với thực tế hiện nay, khó khăn của ngành này sẽ kéo dài ít nhất trong hết năm nay và qua đến đầu năm sau. Trong khi đó, thủy sản là một trong những ngành chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp và có tác động lan tỏa rất lớn vì sử dụng nhiều lao động và người nông dân. Khi DN và nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn thì lợi nhuận của nền kinh tế đang chảy về đâu? – Chúng ta thấy rất rõ là đang chảy về các NH, họ đang lãi khủng. Thật sự không có nền kinh tế nào và DN ở đâu có thể chống chọi được với mức LS cao như ở VN thời gian qua. Nhưng liệu họ sẽ còn cầm cự được bao lâu?
Thật sự là thời gian qua, nhiều DN rất mệt mỏi và họ không muốn “kêu” nữa, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận vốn và lãi vay. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để cứu nền kinh tế là tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn vay với LS thấp và làm một cách thật tâm.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Hậu Giang)
Doanh nghiệp cần “máu” và “không khí”
Nền kinh tế hay một DN cũng giống như cơ thể một con người, có hai thứ quan trọng nhất để duy trì sự sống là máu và không khí. Nếu cơ thể không có máu thì mấy tiếng sẽ chết, còn không có không khí chỉ cần 5 phút là chết.
Như vậy, cần nhất lúc này là bảo đảm có máu để lưu thông, không khí để thở. Vậy cái gì là máu, cái gì là không khí? Không khí là dòng tiền. Hiện nay dòng tiền đang tắc nghẽn ở khắp nơi, khan hiếm tiền mặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng không bán được hàng, công ty xây dựng không có việc làm trong khi công nợ không thu hồi được, khiến dòng tiền của DN đang khô cạn. Nếu NH không bơm tiền cho DN, tiền không bơm ra ngoài thị trường thì DN sẽ chết ngay lập tức. Trong khi đó, máu như là hàng hóa. Lúc này cần nhất là người lao động phải có việc làm để phải sản xuất ra được hàng hóa. Hàng hóa phải được tiêu thụ. Nếu khóa một van nào đó khiến hàng hóa không sản xuất ra được hoặc sản xuất rồi mà không thể lưu thông được thì nền kinh tế trước sau cũng chết. Nhưng để có được máu và không khí lưu thông cần một điều kiện là các chính sách phải thông thoáng, không còn tắc nghẽn hoặc chính sách điều hành giật cục. Lúc này cần làm thế nào để các sản phẩm bất động sản tiêu thụ được, bán được mới tạo được việc làm cho người lao động. Trước tiên giải quyết các tắc nghẽn về luật. Nếu không có giấy phép đầu tư, không có giấy phép xây dựng thì không có sản phẩm bất động sản. Không có sản phẩm thì giá sẽ tăng. Phải giải quyết ngay khâu liên quan đến pháp lý của dự án. Khâu này rất quan trọng vì nó đang làm lãng phí nguồn lực rất lớn của người dân, DN và cả nền kinh tế.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Thủ tục hành chính cần thật nhanh
DN cần nhất cái này bởi kế hoạch kinh doanh DN có thể chủ động được nhưng pháp lý thì không thể. Hiện DN không tính được bao lâu một dự án sẽ xong pháp lý, khiến rủi ro quá lớn. Lãnh đạo T.Ư và địa phương đang đặt câu chuyện cán bộ e dè, không dám làm, tôi cảm nhận đó là thực tế có thật. Như ở TP.HCM, hồ sơ trình lên lại trả về, trình lại. Vài vòng như vậy là mất mấy năm. Hồ sơ không xong là chết trên đống tài sản. DN bỏ ra 1.000 tỉ đồng, tính 3 năm xong pháp lý để bán hàng thu hồi vốn. Nhưng 6 năm mới xong pháp lý thì DN phá sản, nợ xấu. Thậm chí lương, thuế không có tiền mà trả. Pháp lý kéo dài dẫn đến DN hụt dòng tiền. DN tìm tài sản khác bù đắp để vay. Nhưng hồ sơ NH làm rất lâu, 5 – 6 tháng mới xong. Trong khi DN đang cần tiền mới làm hồ sơ vay. Nhưng kéo dài vậy chết DN rồi dù khoản vay có tài sản thế chấp.
Vấn đề nữa là lòng tin người tiêu dùng. Người tiêu dùng đang hoang mang bởi thu nhập giảm sút, tiền đang kẹt trong đất. Tôi vô tình hỏi người dân bình thường, họ cũng đem 300 – 500 triệu đồng mua đất vườn ở đâu đó. Chính người dân cũng vay tiền mua đất và giờ họ cũng thiếu tiền, kẹt tiền nên họ phòng thủ, không dám chi tiêu. Không dám chi tiêu thì DN không bán được hàng. DN không bán được hàng thì quay lại không dám tăng lương, không dám đầu tư. Ngay cả xuất khẩu cũng giảm sút không bán được hàng. Trong khi chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra không bán được, không dám tăng giá. Chính vì vậy cần mở hết cửa thông thoáng cho DN. Nhà nước đang thúc đẩy đầu tư công. Nhưng cần thúc đẩy đầu tư tư nhân song hành. Nhà nước bỏ ra 1 đồng đầu tư công thì khuyến khích được DN bỏ ra 10 đồng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM
Doanh nghiệp vận tải kiệt quệ vì đăng kiểm
Ách tắc lớn nhất của các DN hiện nay chính là khâu đăng kiểm vì nó liên quan đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, thương mại, gần như cả nền kinh tế.
Theo phản ảnh của DN trên địa bàn tỉnh, nếu hoạt động đăng kiểm vẫn tiếp tục ùn tắc như thời gian qua thì thì các phương tiện vận tải không thể lưu hành, làm đình trệ chuỗi cung ứng, từ đó khiến chi phí vận hành DN tăng mạnh, nguy cơ lỗ nặng vì vi phạm hợp đồng và đảm bảo tiến độ vận chuyển hàng hóa. Doanh thu sụt giảm và gánh nặng LS sẽ gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của người lao động. Các DN vận tải trải qua nhiều biến cố lớn như dịch bệnh, kinh tế suy thoái, ùn tắc đăng kiểm…đang bế tắc, kiệt quệ và nếu không có giải pháp cấp cứu kịp thời sẽ còn bi đát hơn nữa. Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng nhiều giải pháp, trong đó cần thiết nhất là gia hạn tự động thêm 3 – 6 tháng cho các xe không kinh doanh đã đến hạn, dành cơ hội kiểm định cho các loại phương tiện khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy một giải pháp nào đưa ra để giải tỏa ách tắc đăng kiểm ngay lập tức.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương
Công chức, cán bộ “hiểu” chính sách mỗi nơi một kiểu
Chính phủ có chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng về 8% là tốt nhưng cần chi tiết và công bố rõ ràng hơn, nghĩa là liệt kê cụ thể những ngành nào không được hưởng (hoặc ngược lại là được hưởng cũng được). Cách làm như vừa rồi là liệt kê theo ngành hàng và có nơi cơ quan thuế đồng ý cho giảm.
Ngoài ra, liên quan hỗ trợ phí cơ sở hạ tầng cho DN xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, tại TP.Hải Phòng đang hỗ trợ phí này cho DN đối với hàng lẻ đường biển có thể tích dưới 1 m3, trong khi tại TP.HCM thu tất tần tật. Ðã thế, phí cơ sở hạ tầng nhiều kiện hàng chưa tới 2.000 đồng, nhưng mỗi lần chuyển tiền đóng thì NH “chặt” phí chuyển 7.700 đồng. Ðóng thuế không mất đồng nào phí chuyển tiền, đóng phí lại mất phí NH. Rất vô lý!
Hiện tại, kinh tế quá khó khăn, ngành logistics cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất nên cần hỗ trợ về tài chính như giãn nợ thuế, nới room tín dụng (đòn bẩy tài chính)… Các cơ quan quản lý cần rà soát lại quy định liên quan đến xuất nhập khẩu để giảm sự chồng chéo; qua đó làm rõ trách nhiệm quản lý của từng bộ ngành; chấn chỉnh việc xử lý công việc của công chức tại các đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, cần tạo nhiều kênh trao đổi trực tiếp với DN hơn nữa chứ không chỉ qua hội nghị, gặp mặt… Phải có kênh tiếp nhận thông tin trực tiếp, chịu trách nhiệm với DN và đôn đốc trả lời, hướng dẫn. DN vướng mắc bộ này, cơ quan nọ mà không thể trao đổi trực tiếp, chờ đến hội nghị mới phản ánh thì nguội hết.
Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global
Nhiều doanh nghiệp phải bán đất, bán nhà trả nợ ngân hàng
Trước đây, TP.HCM có nguồn vốn đầu tư kích cầu hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong 2 năm gần đây, khi các DN đẩy mạnh đầu tư để tham gia mạnh hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ thì chương trình kích cầu bất ngờ tạm dừng, khiến kế hoạch của DN bị đảo lộn.
Những DN đã có kế hoạch đầu tư thì phải dừng lại hết. Riêng những công ty có dự án đã được TP.HCM phê duyệt hỗ trợ LS cho vay theo chương trình kích cầu đầu tư nhưng đến nay cũng không nhận được hỗ trợ LS lại càng khó khăn hơn. Ðặc biệt trong bối cảnh lượng đơn hàng giảm mạnh hơn 30%, có nhiều đơn vị giảm gần 50% thì việc phải trả LS cao vượt ngoài dự báo khi xây dựng dự án khiến nhiều DN hụt hơi. Thậm chí có một số công ty trong hiệp hội cho biết đã phải bán nhà, bán đất để trả nợ NH, để DN không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Hoặc có đơn vị phải đang đàm phán để bán luôn cho các DN nước ngoài nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Theo thông tin chung thì hiện TP.HCM đang chờ có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thì mới tiếp tục ban hành và thực chương trình kích cầu đầu tư. Do đó, mong rằng TP.HCM sẽ sớm có chương trình này để hỗ trợ DN ngành cơ khí vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và tham gia sâu hơn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM
Tiếp cận vốn quá khó, lãi quá cao
Thời gian quan Chính phủ đã lắng nghe và triển khai một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đây là điều có ý nghĩa và sức lan tỏa lớn. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi vay hiện nay vẫn còn quá cao và DN cũng không thể hấp thụ được. Ðiều quan trọng thứ hai là các điều kiện cho vay lại thắt chặt trong khi DN đang ngày càng khó khăn nên càng khó đáp ứng các tiêu chuẩn để được vay vốn hơn.
Một vướng mắc quan trọng mà thời gian qua cộng đồng DN đã “kêu” rất nhiều nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức là việc hoàn thuế cho DN xuất khẩu. Chính phủ đã có một số cuộc họp chỉ đạo tháo gỡ nhưng trên diện rộng thì chưa có nhiều DN được giải quyết. Ðây là nguồn vốn rất quan trọng với DN trong điều kiện kinh tế hiện nay nhất là khi khó tiếp cận vốn vay.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của khối DN nội địa đã giảm đi rất mạnh so với khối DN FDI, nếu Chính phủ và Quốc hội không có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ khối DN trong nước thì sự tụt hậu của các DN VN sẽ càng lớn. Ðể hỗ trợ DN nội địa, nhà nước cần tăng cường nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường đặc biệt là những thị trường còn nhiều tiềm năng như Trung Ðông hay Bắc Mỹ… Bên cạnh đó, mở rộng và đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động xúc tiến và thương mại điện tử vì đây là xu hướng và hoạt động mang lại hiệu quả cao trong thời đại công nghệ hiện nay.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất – thương mại Sadaco (TP.HCM)