Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có kịch bản dự phòng từng tháng, quý để không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Yêu cầu này được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc họp về cung ứng xăng dầu, chiều 3/1.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm nay tổng nguồn xăng dầu tối thiểu gần 28,42 triệu, m3 tấn các loại. Mức này cao hơn năm 2023 khoảng 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu.
Tuy nhiên, nhu cầu xăng dầu trong nước được dự báo có thể tăng đột biến khi giá và nguồn cung chịu ảnh hưởng trước biến động phức tạp của thị trường thế giới. Cuối tuần trước Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Tại cuộc họp ngày 3/1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu được giao, và có phương án dự phòng cho tình huống bất thường. Việc này nhằm đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.
“Kịch bản điều hành này không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý, được điều chỉnh một cách linh hoạt. Trường hợp có diễn biến bất thường, các doanh nghiệp đề xuất cơ chế hoặc giải pháp tình thế, đặc thù”, ông Diên nói.
Năm nay, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (MIPEC) được Bộ Công Thương giao hạn mức mua từ nguồn trong nước và nhập tăng 18% so với lượng bán 2023. Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao mua, nhập khẩu 1,5 triệu m3, tấn xăng dầu, tăng 12% so với 2023. Riêng dầu diesel, mức giao tăng 22% so với sản lượng bán của tập đoàn này năm ngoái.
Đại diện Petrolimex và Mipec nói sẽ đảm bảo nguồn cung cho hệ thống phân phối. Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, để đủ nguồn, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, nhập khẩu với lượng tăng 10% so với số được cơ quan quản lý giao.
Song Bộ trưởng Diên nhận xét, thời gian qua một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu, các quy định về dự trữ, nợ thuế, vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Do đó, ông đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, cùng phối hợp trong điều hành xăng dầu, đề xuất giải pháp (gồm cơ chế đặc thù) để không đứt gãy nguồn cung và “không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó hoạt động, vi phạm pháp luật”.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ổn định vĩ mô, nên theo Bộ trưởng Công Thương, các chính sách “sẽ tiếp cận thị trường hơn, song chưa thể thay đổi đột ngột”.
“Chúng ta vận hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò điều tiết”, Bộ trưởng Diên nói.
Ông Diên đề nghị Chính phủ, trong khi chưa sửa toàn diện các nghị định về kinh doanh xăng dầu thì có thể xem xét xử lý một số vướng mắc, bất cập theo cơ chế thị trường. Song song đó, các bộ, ngành, đơn vị cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ nội dung Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong năm nay.