Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh, giảm phát thải và tăng năng suất” được tổ chức sáng 11.1 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty CP Netzero Carbon Việt Nam tổ chức.
Đắk Lắk muốn phát triển song hành cùng lúa gạo cả nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk với nhiều loại cây trồng có diện tích lớn, năng suất cao và giá trị lớn như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, bơ… Bên cạnh đó, với diện tích trồng lúa lên đến trên 100.000 ha và năng suất hơn 800.000 tấn/năm, Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích cũng như năng suất lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên.
Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là lĩnh vực góp phần làm phát sinh khí nhà kính, thúc đẩy quá trình trái đất ấm lên. Trong đó, cây lúa chiếm hơn 50% lượng phát thải khí nhà kính. Nguyên nhân do thói quen sản xuất cũ: Đồng ruộng ngập nước kéo dài, sử dụng phân thuốc không hiệu quả. Vì thế, tiêu dùng các sản phẩm xanh, sản xuất giảm phát thải không chỉ là xu hướng của xã hội hiện đại mà còn là định hướng, mục tiêu và cam kết của Việt Nam với thế giới. “Tuy Đắk Lắk không được tham gia vào đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ triển khai ở vùng ĐBSCL nhưng chúng tôi cũng mong muốn chuyển đổi nền sản xuất lúa nước của tỉnh nhà theo hướng hiện đại là xanh và giảm phát thải, tạo thêm giá trị gia tăng từ việc bán tín chỉ carbon”- ông Dương nói và cho cho rằng, cuộc tọa đàm hôm nay sẽ là cơ hội tăng cường nhận thức cho các bên liên quan về cả thuận lợi và khó khăn, nhằm tìm ra giải pháp nhằm thúc đầy ngành hàng lúa gạo của tỉnh phát triển ổn định, bền vững và giảm phát thải. Để ngành lúa gạo tỉnh Đắk Lắk có thể phát triển song hành cùng cả ngành lúa gạo Việt Nam, vươn xa trên đường đến chất lượng và giá trị.
Vì sao không bán tín chỉ mà chỉ bán “báo cáo giảm phát thải”?
Các chuyên gia đến từ Thái Lan và Việt Nam chỉ ra rằng để giảm phát thải khí nhà kính cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất lúa từ ngập nước thường xuyên từ hơn 100 ngày/vụ sang kỹ thuật ướt – khô xen kẽ. Bên cạnh đó là xử lý rơm rạ sau thu hoạch và tuyệt đối không được đốt. Bên cạnh đó, là sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế đến 30% lượng phân bón và thuốc trừ sâu để cây lúa sạch hơn nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng.
Theo ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Công ty CP Netzero Carbon Việt Nam: Để đo lường lượng khí nhà kính giảm được từ mô hình trồng lúa này, chúng tôi sử dụng công nghệ viễn thám bằng vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là công nghệ do Công ty Spiro Carbon, một đơn vị hàng đầu về chỉ số carbon trong nông nghiệp của Mỹ. Theo kết đo đạc thời gian qua ở Thái Lan, mô hình sản xuất lúa kiểu mới giúp giảm lượng phát thải kính nhà kính từ 3 – 3,2 tấn CO2tđ (1 tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon – P/V). Netzero Carbon Việt Nam là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan, cam kết thu mua và bao tiêu lượng phát thải này cho người nông dân với giá 20 USD/ tấn CO2tđ.
Ông Tiến cho biết: Dựa trên tọa độ, vệ tinh sẽ theo dõi liên tục đồng ruộng của người nông dân từ khi xuống giống đến ngày thu hoạch. Dữ liệu sẽ được lưu giữ bằng công nghệ blockchain và có thể truy xuất bất kỳ lúc nào. Sau khi lúa được thu hoạch, khoảng 15 – 30 ngày sau, báo cáo giảm phát thải sẽ được đưa ra. Dựa trên đó, chúng tôi sẽ thu mua và trả tiền cho người nông dân. Hình thức hợp tác có thể trực tiếp giữa người nông dân và công ty. Cũng có thể thông qua các tổ chức hợp tác, hợp tác xã và cả các tổ chức như ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật.
“Chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là chúng tôi mua ngay mà không cần có đơn vị thứ 3 cấp tín chỉ. Hiện tại thị trường quan trọng nhất là châu Âu chưa công nhận bất kỳ tín chỉ của tổ chức nào cấp nhưng báo cáo giảm phát thải của chúng tôi được xây dựng dựa trên các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định của Liên Hiệp Quốc. Và báo cáo này chúng tôi đang bán rất tốt cho các doanh nghiệp đặc biệt ở Trung Đông. Trước khi bắt đầu với cây lúa, chúng tôi đang thu mua tín chỉ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Tiến giải thích.
Vì sao là Đắk Lắk mà không phải vựa lúa ĐBSCL?
Về mặt tự nhiên, diện tích trồng lúa của tỉnh đủ lớn. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước rất tốt; trong khi đó ở ĐBSCL có mùa mưa kéo dài, ảnh hưởng đến việc đo đếm trong những ngày nằm trong chu kỳ rút nước, ruộng khô. Netzero Carbon Việt Nam muốn bắt đầu ở nơi có điều kiện thuận lợi trước, sau đó mới tiếp tục phát triển ở vùng ĐBSCL. Mục tiêu của công ty là sẽ xây dựng mô hình trên diện tích 500.000 ha.