Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước – cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất.
Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi châu Âu trên dưới 4.000 – 5.000 USD/container, tăng gấp 2 – 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ khoảng 6.000 – 7.000 USD, tăng gấp đôi so với trước đó.
Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 – 2.000 USD/container.
“Cước biển tăng cao cùng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như chúng tôi.
Ngoài việc tăng cước phí thì thời gian vận chuyển hàng hóa cũng tốn nhiều hơn từ 7 – 10 ngày. Điều này làm đảo lộn các kế hoạch giao nhận hàng và sản xuất của chúng tôi cũng như các đối tác” – ông Lĩnh cho hay.
Giá cước vận tải biển tăng khiến nhiều doanh nghiệp rất đau đầu vì các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Thực tế cho thấy, chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm, song toàn bộ container rỗng tập trung hết về Trung Quốc do chi phí cao hơn các nước khác, nên dự đoán ở Việt Nam sẽ rất thiếu container rỗng, đẩy giá cước tàu biển tiếp tục tăng trong thời gian tới” – ông Phan Đình Quân, Giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận EZ Shipping (Hà Nội), cho biết.
Lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp là không biết giá cước vận tải sắp tới như thế nào. Nếu cứ tăng kéo dài thì với các đơn hàng tiếp theo chắc chắn người mua sẽ đặt vấn đề chia sẻ chi phí vận chuyển tăng thêm, ông Trần Hữu Hậu – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, chia sẻ.
Ông Hậu đề nghị các hãng tàu cần phải minh bạch, thông tin sớm các vấn đề liên quan để doanh nghiệp cùng nắm, từ đó có kế hoạch ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Liên quan đến cước tàu biển tăng cao, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho Lao Động biết, việc tăng giá cước đã diễn ra từ lâu, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động và giải pháp khắc phục.
Trong đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chủ trì nghiên cứu về việc tăng giá cước, phối hợp kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, triển khai các cuộc tọa đàm, cung cấp thông tin để lan tỏa đến các doanh nghiệp nhằm chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Logistics cùng trao đổi biện pháp xử lý kịp thời.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-bi-bao-mon-loi-nhuan-vi-cuoc-van-tai-bien-phi-ma-1362929.ldo