Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 5/2023, trên cả nước có 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lao động đăng ký là 74,7 nghìn lao động với tổng vốn đăng ký là 103,7 nghìn tỷ đồng. Các chỉ số trên giảm lần lượt là 9,5% về số doanh nghiệp, 17,5% về vốn đăng ký và 16,6% về số lao động so với cùng kì năm trước.
Cũng trong tháng 5, trên cả nước có gần 6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,1% so với tháng 4/2023 và tăng 14,3% so với cùng kì năm trước. Có 5,364 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng 4/2023 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Có 4,717 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% so với tháng 4/2023 và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% so với tháng 4/2023 và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Gộp chung 5 tháng đầu năm 2023, đã có gần 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với hơn 568 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, giảm lần lượt 1,6% và 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,2 tỷ đồng. Nếu tính cả 824,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 1.393 nghìn tỷ đồng.
Tổng số lao động của các công ty đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm là hơn 405 nghìn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 33 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 95 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nếu xét theo lĩnh kinh tế, có 623 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Có 46,5 nghìn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ và chỉ có 14,8 nghìn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng được thành lập mới.
Bên cạnh đó, đã có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3%; 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1% và 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập là 1,744 nghìn, giảm 61,4%, số lượng doanh nghiệp giải thể là 554, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành bất động sản cũng mất vị trị thứ 2 trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn ngoại kể từ tháng 4 vừa qua.
Cụ thể, tính đến 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD).
Trước đó, theo thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đã có từ 30% – 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm. Lý do được chỉ ra là do sự cạnh tranh của các đơn vị môi giới trong giai đoạn nguồn cung của thị trường với các sản phẩm đánh đúng vào nhu cầu của người mua ở thực giảm. Trong khi đó, thanh khoản thị trường vẫn đóng băng khiến lượng bán không cải thiện.