Doanh nghiệp bất động sản… vẫn chờ
Dự án xếp hàng chờ “chốt” giá đất, dự án giảm “tuổi thọ” từ 70 năm xuống 50 năm… Không chỉ nhà đầu tư tại một số tỉnh miền Trung, mà nhiều chủ dự án bất động sản ở các tỉnh, thành phố khác cũng đang chứng kiến thực cảnh tương tự.
Thực cảnh trên khiến hàng trăm nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy chơi vơi và đành chờ đợi! Nói như giám đốc một doanh nghiệp đầu tư dự án địa ốc tại Bình Định: “Không chờ thì chúng tôi biết làm gì?”.
Trái khoáy là, sự chờ đợi đó không mang đến tâm trạng háo hức, hồi hộp như đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về, mà trong trạng thái… ấm ức. Doanh nghiệp không dễ và không thể nói ra những ấm ức đó, không thể gào thét vì tâm lý sợ sau này bị gây khó dễ. Thực tế, những doanh nghiệp này đang gánh chịu khoản thiệt hại không thể đong đếm.
“Việc kéo dài thời gian xác định giá đất cụ thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Minh chứng dễ thấy nhất là doanh nghiệp phải gánh chịu thêm kinh phí đền bù, tài chính ‘nuôi’ nhân viên, lãi vay ngân hàng… nhiều năm mà không ai chịu cho mình cả”, vị giám đốc doanh nghiệp kể trên thở dài.
Ông mong cơ quan quản lý nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là phải hỗ trợ sao cho thực chất, bớt hô hào và quan trọng hơn, là vượt qua tâm lý “sợ sai”. Có như vậy, doanh nghiệp mới hy vọng trụ vững qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, theo đó “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” là điều mà người đứng đầu Chính phủ mong muốn. Tại nhiều dự án đang bị “ngâm” xác định giá đất, nhà đầu tư cũng có mong muốn tương tự, nhưng mong muốn đó khó có thể được đáp ứng trong thời gian gần.
Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung đang sốt ruột chờ chính quyền địa phương khắc phục những sai lầm trước đây với quyết định điều chỉnh thời hạn cho thuê đất từ 70 năm xuống 50 năm. Việc điều chỉnh thời hạn cho thuê đất đồng nghĩa hàng loạt thủ tục khác phải nắn chỉnh theo. Thế là các bên lại… đợi!
Trong bối cảnh trên, nhà đầu tư đứng trước một trong hai lựa chọn: đó là đi tiếp hay rút lui? Nhưng không thể rút lui vì hàng trăm tỷ đồng đã “chôn” vào dự án!
Việc chính quyền mất nhiều thời gian “sửa sai”, dù vô tình hay cố ý, đều đẩy nhà đầu tư vào thế không được quyền lựa chọn, mà buộc phải đi tiếp!
Từ luật sư đến chuyên gia, ai cũng thấy rõ rằng, trách nhiệm trên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng nói như ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, rằng “trước giờ, chẳng ai đem những thiệt hại đó ra đo đếm để buộc cơ quan nhà nước phải bồi thường”.
Khi nhận thấy mình bị thiệt hại mà lỗi thuộc về cơ quan quản lý nhà nước – theo ý kiến của nhiều luật sư – thì doanh nghiệp có thể khởi kiện đòi quyền lợi. Song đây là con đường mà rất ít doanh nghiệp lựa chọn, hầu hết chọn cách “ngậm đắng nuốt cay”.
Ngay sau khi Báo Đầu tư đăng tải bài viết đầu tiên liên quan tới vấn đề điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trong loạt bài “Doanh nghiệp khóc ròng trong vòng xoáy thủ tục”, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp tốc tổ chức cuộc họp cùng các cơ quan, địa phương liên quan và chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án Khu du lịch biển cao cấp tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Đây là dự án mà Quảng Nam điều chỉnh thời hạn cho thuê đất từ 70 năm xuống 50 năm. Nhìn vào bản kết luận cuộc họp trên giấy, những chỉ đạo của Quảng Nam là rất sốt sắng, quyết liệt.
Nhưng tất cả hiện phụ thuộc vào tiến độ thực thi và không ngoại trừ khả năng, doanh nghiệp vẫn phải chờ.
Nguồn: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-van-cho-d219445.html