Doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”
Dù chưa tới mức suy thoái, nhưng trong năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng về cả nguồn cung, lực cầu, lẫn tính thanh khoản của nhiều dự án.
Báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản cho thấy, tính đến hết quý III/2022, tổng nguồn cung các sản phẩm nhà ở, đất nền chỉ bằng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ dự án giảm rất mạnh, và thấp nhất kể từ năm 2015.
Cũng vì chịu tác động “kép” vừa thiếu cung, sức thanh khoản lại yếu, nhiều chủ đầu tư bất động sản, thậm chí là “ông lớn” trong ngành rơi vào tình cảnh “đói vốn”.
Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ, thị trường và sức khoẻ doanh nghiệp đang yếu dần.
Do đó, một số doanh nghiệp đã đề xuất có thể tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để giải quyết những khó khăn trước mắt, về lâu dài cần có những chính sách gỡ những vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản tồn tại lâu nay.
Trong buổi họp báo vào sáng 30/12, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thừa nhận, có một số trường hợp doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng vốn.
Theo ông Dũng, khó khăn về nguồn vốn khi thực hiện dự án, là một nút thắt của thị trường bất động sản trong năm 2022. Với những vướng mắc này, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng đã có một số đề xuất, giải pháp gửi lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.
“Với khó khăn về vốn, Chính phủ đã giao cho các Bộ phụ trách, có nhiệm vụ xem xét, nghiên cứu tháo gỡ. Đơn cử như khó khăn về vốn tín dụng thì giao cho Ngân hàng Nhà nước, khó khăn về trái phiếu thì giao cho Bộ Tài chính phụ trách. Thời gian tới, các Bộ liên quan cũng sẽ ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề này”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản tiết lộ: Bên cạnh các vấn đề liên quan tới vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn khác.
Đơn cử như các khó khăn về thủ tục, pháp lý còn chồng chéo; trình tự, thủ tục đầu tư ở các cấp còn phức tạp,… khiến nhiều dự án bị kéo dài thời gian. Đặc biệt, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đây, còn đang đối mặt với áp lực trả nợ khi tới kỳ hạn, hoặc các khoản vay đến kỳ trả lãi ngân hàng.
“Tuy nhiên, thiếu vốn là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, một số trường hợp còn cho công nhân nghỉ việc. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ, để đề xuất với phía ngân hàng có phương án về vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Riêng vấn đề trái phiếu bất động sản, ông Sinh cho rằng, cơ quan chức năng đang rất thận trọng xem xét và nghiên cứu sửa đổi Nghị định 65, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
“Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan tới bất động sản, một số giải pháp đã được thông qua. Nhưng các vấn đề tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thì đang xem xét, nghiên cứu một cách thận trọng”, ông Sinh nói.
Doanh nghiệp phải tự xem lại chính mình
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, ngoài các yếu tố liên quan tới cơ chế, chính sách, thì doanh nghiệp cần xem xét lại chính trách nhiệm của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
“Khi thị trường tốt thì doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án, thậm chí là không cân bằng nguồn lực với các dự án đang triển khai. Có thời điểm doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án mà không kiểm soát tài chính, nên xảy ra khó khăn về tài chính ở thời điểm nhất định”, ông Sinh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng Tổ công tác đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp rà soát và cơ cấu lại sản phẩm bất động sản. Thậm chí phải bán bỏ bớt dự án chưa triển khai, tập trung vào các dự án đang triển khai, hoàn thành dự án sớm, để bán thành công và tạo ra dòng tiền thực hiện các dự án tiếp theo.
“Về lâu dài khi triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp phải dùng vốn vay dự án nào thực hiện dự án đó, tránh vay dự án này thực hiện dự án khác làm mất cân bằng tài chính”, ông Sinh nói.