Theo thông tin công bố từ Công ty Hano-vid, nửa đầu năm 2024, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,42 nửa đầu năm 2023 lên 6,77 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức hơn gần 34 nghìn tỉ đồng.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ mức 1,83 lần nửa đầu năm 2023 xuống 1,81 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức gần 9,6 nghìn tỉ đồng.
Ấy vậy nhưng lợi nhuận sau thuế của Hano-vid thường ở mức khiêm tốn, nhất là so với quy mô vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 của Hano-vid đạt 7,8 tỉ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, báo cáo thanh toán gốc, lãi trái phiếu nửa đầu năm 2024 cho thấy, Hanoi-vid đang trả lãi cho 182 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị theo mệnh giá là 9.654,6 tỉ đồng.
Thời hạn của các lô trái phiếu này vào khoảng 5-7 năm, hầu hết đều không có tài sản đảm bảo và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Maritime Bank (MSB) là tổ chức lưu ký.
Hay như với trường hợp Công ty Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc được biết tới là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Novotel Saigon Centre TPHCM. Theo thông tin công bố, nửa đầu năm 2024, các chỉ số tài chính của Công ty Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc vẫn khá “u ám” khi tình trạng vốn chủ sở hữu âm của công ty đã kéo dài từ năm 2022 tới nay và chưa được cải thiện.
Báo cáo tài chính cho thấy, nửa đầu năm 2024, công ty có vốn chủ sở hữu âm 454,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 902,9 tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 9,63 lần kỳ trước lên 10,67 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức 4.849,5 tỉ đồng.
Công ty báo hoạt động kinh doanh thua lỗ 115,5 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước âm 369,6 tỉ đồng. Trước đó hai năm 2021 và 2022 đều có con số thua lỗ khủng lên đến hơn 780 tỉ đồng.
Về trái phiếu, theo báo cáo cho thấy dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ mức 7,11 lần kỳ trước xuống 6,6 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức 2.999,7 tỉ đồng.
Dù tình hình kinh doanh thua lỗ liên tiếp, nhưng Công ty Thiên Phúc đã phát hành khá nhiều lô trái phiếu từ năm 2020 đến nay. Vào ngày 31.8.2020, Công ty Thiên Phúc huy động thành công 30 lô trái phiếu với tổng mệnh giá 3.000 tỉ đồng. Toàn bộ 30 lô trái phiếu hiện vẫn còn lưu hành, được lưu ký tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và có cùng ngày đáo hạn 31.8.2025 và lãi suất 11%/năm.
Báo cáo thanh toán gốc, lãi trái phiếu nửa đầu năm 2024 cho thấy, Công ty Thiên Phúc không thể thực hiện các đợt thanh toán đối với toàn bộ 30 lô trái phiếu này. Nguyên nhân được công ty đưa ra là chưa thu xếp được nguồn để thanh toán.
Trên đây chỉ là những trường hợp đủ để cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là một vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp.
Theo báo cáo mới cập nhật từ Công ty Chứng khoán MBS, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 8 ước tính khoảng hơn 2.400 tỉ đồng, giảm 93% so với tháng trước, trong đó ngân hàng chiếm 44%, nhóm bất động sản chiếm 9%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 110.300 tỉ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ.
Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209.200 tỉ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-bat-dong-san-dau-dau-voi-no-trai-phieu-1384457.ldo