Phái đoạn gồm 14 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo đến Việt Nam tuần qua, tìm cơ hội hợp tác.
Nhóm doanh nghiệp này tập trung tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư các lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, truyền tải và lưu trữ năng lượng. Việt Nam được xem là điểm đến ưu tiên nhằm mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của họ vì ngành năng lượng tái tạo chuyển biến tích cực.
Ông Denzel Eades, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, tin tưởng vào tiềm năng thị trường điện gió ngoài khơi ở đây và các bước tiến về chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực này. “Các doanh nghiệp Anh với kiến thức chuyên môn sâu rộng rất mong được đóng góp vào thị trường sôi động này”, ông nói.
Trong chuyến thăm, phái đoàn đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Xanh tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Hội nghị Năng lượng gió ASEAN Wind Energy. Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew nhắc lại cam kết của Chính phủ Anh trong việc trở thành đối tác chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua các sáng kiến song và đa phương.
Tiêu biểu là Chương trình Quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) được kỳ vọng sẽ điều phối 15,5 tỷ USD nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Vương quốc Anh là thị trường điện gió ngoài khơi (OSW) lớn thứ hai thế giới. Chiến lược An ninh Năng lượng của Anh (BESS), được công bố tháng 4/2022, đặt mục tiêu công suất gió ngoài khơi lên tới 50 gigawatt (GW) năm 2030.
Đến nay, Anh có công suất lắp đặt năng lượng gió ngoài khơi đạt 13,7 GW, tăng gấp 4 lần năm 2012. Ngoài ra nước này còn có tổng công suất dự án khoảng 77 GW của 80 dự án trong quá trình xây dựng, đã được phê duyệt, đang phát triển và đã lên kế hoạch trong tương lai.
Trong khi đó, với lợi thế địa lý có đường bờ biển dài hơn 3400 km, Ngân hàng Thế giới ước tính công suất tiềm năng điện gió tại Việt Nam khoảng 475 GW. Chất lượng gió tốt tập trung ở Trung và Nam Trung bộ cùng một phần duyên hải Bắc bộ.
Viễn Thông