Một buổi báo cáo chuyên đề tại Hành trình Tiếp lửa lý luận trẻ tỉnh lần thứ I, năm 2022. Ảnh: Tỉnh đoàn
Tác động của mạng xã hội tới thanh niên
Thanh niên (TN) là lứa tuổi có sức khỏe và trí tuệ. Họ có lòng nhiệt tình và dễ thích nghi với môi trường xã hội. Tuy nhiên, lứa tuổi TN cũng còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và không phải TN nào cũng được trang bị đầy đủ về lý luận chính trị. Vì vậy, đối tượng này dễ bị tác động trước những biến động trong xã hội; là điểm yếu mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để xuyên tạc, lôi kéo, kích động, dễ xa rời lý tưởng của Đảng, thậm chí mất niềm tin vào Đảng và hệ thống chính trị.
Môi trường không gian mạng hiện nay cũng đặt ra những thách thức cho công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho đoàn viên (ĐV), TN. Mạng xã hội là công cụ kết nối mọi người, ở góc độ tích cực. Đây có thể được xem là một môi trường giải trí, liên lạc, học tập không có biên giới, nhưng cũng chính từ mạng xã hội đã nảy sinh rất nhiều mặt trái, tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ trong bài viết “Mạng xã hội – Nhận diện và định hướng quản lý” nhận xét: “Điểm yếu của chúng ta hiện nay là chưa kiểm soát hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực tiêu cực, phản động lợi dụng đưa thông tin xuyên tạc, kích động, phá hoại, ảnh hưởng nghiệm trọng đến an ninh tư tưởng, văn hóa của ta, tác động xấu đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ”.
Lợi dụng sức mạnh lan truyền của Facebook, một số tổ chức đã cố tình gây nhiễu thông tin bằng cách cài cắm những thành phần phân tích xu hướng của xã hội để tung thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận hoặc định hướng dư luận theo hướng lệch lạc. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng những điểm hở trong quản lý thông tin từ mạng xã hội và sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về tình hình chính trị – xã hội của TN nói riêng và người dân nói chung để xuyên tạc từ những điều nhỏ nhặt nhất, bóp méo thông tin, dẫn đến những phát ngôn, hành xử lệch chuẩn, bị lợi dụng để lan truyền những nội dung sai, xuyên tạc bằng chức năng chia sẻ trên các kênh mạng xã hội.
ĐV là lực lượng TN nòng cốt, được giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về nhận thức và lý luận chính trị nhưng thực tế cho thấy trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong ĐV, TN vẫn chưa đồng bộ. Ngoài ra, không phải ĐV, TN nào cũng có đủ nhận thức về âm mưu, cũng như nhận diện thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch một cách đầy đủ, sâu sắc. Điều này phần nào cũng là hạn chế do việc thiếu thông tin, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các tổ chức TN chưa thường xuyên, liên tục, chưa đủ lập luận thuyết phục. Quan trọng hơn là trong khi xã hội số phát triển nhanh chóng không ngừng thì trình độ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin của không ít ĐV, TN cũng như các tổ chức TN còn chậm và lúng túng, thường rơi vào tình trạng bị động.
Đổi mới hoạt động giáo dục chính trị
Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Võ Tuấn Thông nhận định: “Phải thừa nhận rằng, ngoài việc triển khai các bài học lý luận chính trị cho ĐV thì công tác học tập, tuyên truyền lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa thật sự có mô hình cụ thể, giải pháp nổi bật để thực hiện đồng loạt tại các cấp bộ Đoàn, thu hút cán bộ, ĐV tham gia”.
Để giúp định hướng tư tưởng cho TN nói riêng và bảo vệ môi trường thông tin trong sạch cho cộng đồng nói chung, các cơ quan quản lý nhà nước về TN đã tăng cường quản lý và định hướng thông tin, quyết liệt chặn, lọc các thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Đồng thời, đi kèm với tăng cường các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho TN như tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động phong trào.
Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Võ Tuấn Thông, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực triển khai nhiều biện pháp đổi mới nội dung, phương pháp của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử, góp phần củng cố tư tưởng, định hướng hành động đúng đắn cho ĐV, TN. “Kể từ khi Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ra đời, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre thống nhất quan điểm: Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản với các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, định hướng rèn luyện để xây dựng bản lĩnh TN thời đại mới”, anh Võ Tuấn Thông nhấn mạnh.
(còn tiếp)
Thanh Đồng