Ngày 28/6, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh về tình hình triển khai hoạt động tín dụng chính sách năm 2022 và 5 tháng năm 2023.
Dự và tham gia đoàn kiểm tra, giám sát có đồng chí Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH.
Về phía Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.
Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh Nguyễn Lượng
Hiện nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách, đến hết 31/5/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH chi nhánh tỉnh đạt 4.097 tỷ đồng (tăng 367 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 97% kế hoạch năm); tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.087 tỷ đồng (tăng 366 tỷ đồng so với đầu năm) với hơn 82.000 khách hàng đang có dư nợ, tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao vốn đạt 96,8% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 0,2% tổng dư nợ.
Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 1,5% cuối năm 2021 xuống dưới 1% cuối năm 2022 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025).
Hệ thống NHCSXH tỉnh hiện có mạng lưới hoạt động gồm hội sở tỉnh, 8 phòng giao dịch cấp huyện với 136 điểm giao dịch được đặt trong trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, cùng với hơn 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đảm bảo quy định của NHCSXH trong việc tổ chức hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch.
Phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động vốn, chỉ tiêu dư nợ được giao trong năm 2023, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã đề ra một số nhóm giải pháp chính gồm: Tích cực huy động tiền gửi từ cộng đồng dân cư bổ sung nguồn vốn cho vay, tận dụng tối đa nguồn vốn thu hồi tại chỗ để cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn và nâng cao hệ số sử dụng vốn; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát nhu cầu vay vốn, không để bỏ sót đối tượng đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn, đồng thời, tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn theo chương trình xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, đảm bảo giải ngân đúng đối tượng theo quy định.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, giám sát của của Ủy viên HĐQT NHCSXH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn khẳng định tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị – xã hội thông qua các Tổ TK&VV trong việc rà soát nhu cầu vay vốn, đảm bảo giải ngân đúng đối tượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Kết luận buổi kiểm tra, giám sát, đồng chí Phạm Hồng Hương, Ủy viên HĐQT NHCSXH đánh giá cao kết quả triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và việc bổ sung nguồn vốn cho vay ủy thác của tỉnh thông qua NHCSXH.
Đồng chí đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng của các Tổ TK&VV, đồng thời, yêu cầu đại diện đoàn kiểm tra, giám sát tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc về cơ chế, chính sách trong vấn đề nguồn vốn, mở rộng đối tượng đủ điều kiện được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, tham mưu HĐQT NHCSXH có biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Hoàng Sơn