Nhớ chuyện xưa để thấy hôm nay thật hạnh phúc
Từ tháng 5 đến tháng 11, Côn Đảo vào mùa mưa, nhiệt độ dao động trong khoảng 21 đến 30 độ C, khá lý tưởng cho du khách thực hiện hành trình khám phá hòn đảo tươi đẹp với nắng vàng và cát trắng.
Ngày 29/5, một đoàn khách đặc biệt từ TPHCM cũng đã đặt chân đến hòn đảo này nhưng không chỉ để du lịch. Họ đến Côn Đảo để thăm lại những chứng tích ghi dấu tháng ngày bi hùng của bản thân.
Tham gia đoàn có 60 đại biểu là các lão thành cách mạng, người có công, người hoạt động kháng chiến, làm nghĩa vụ quốc tế… từng bị địch bắt, tù đày.
Trong chuyến hành trình, đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo; thăm nhà tù Côn Đảo, trại giam Phú Sơn, Phú Hải…
Xem từng bối cảnh được tái hiện trong phòng giam ở nhà tù năm xưa, cụ bà Nguyễn Minh Phương (ngụ tại quận 10, TPHCM) trào nước mắt nhớ lại những ngày bị tù đày, đối mặt với kẻ thù tra khảo, chịu đựng đòn roi, chày vồ, ma trắc, tàu lặn, điện giật… Vẻ hãi hùng, kinh sợ vẫn hiển hiện trên nét mặt bà.
Cụ bà Nguyễn Minh Phương chia sẻ, đến giờ cụ vẫn còn bị ám ảnh, lòng quặn thắt, tim nhói đau mỗi khi nghe ai đó nhắc đến những từ như cựu tù chính trị, tù binh…
Bà cảm thấy may mắn vì mình và nhiều đồng đội đã vượt qua được nỗi đau thể xác, kiên gan đọ sức với những kẻ tra khảo để giữ vững khí tiết người cách mạng.
Cụ Phương thấy mình may mắn khi kiên trì sống sót đến ngày thống nhất đất nước, được hưởng thành quả của cách mạng, sống an lành trong những ngày hòa bình. 20.000 đồng đội khác đã không may mắn như cụ, nằm lại mảnh đất giữa biển khơi này…
Nhớ chuyện đau lòng ngày xưa, cụ càng trân quý cuộc sống hòa bình hiện tại. Cụ Phương chia sẻ: “Thành phố mà chúng ta sinh sống đổi mới và phát triển từng ngày, đời sống dần ổn định, người dân được chăm lo chu đáo. Những đối tượng chính sách như chúng tôi phần lớn đã có mức sống từ trung bình đến trên trung bình”.
Sau 49 năm thống nhất đất nước, hầu hết cựu tù Côn Đảo năm xưa đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng các cụ vẫn hăng hái tham gia hành trình vượt biển về thăm “chiến trường” xưa, nơi họ từng thi gan với kẻ thù và tranh đấu với nỗi đau thể xác.
Nhiều cựu tù tham gia hành trình về nguồn lần này đã mấy chục năm mới có dịp trở về Côn Đảo. Tại đêm giao lưu tri ân, các lão thành cách mạng không nén được cảm xúc khi được trở lại chốn xưa mà không phải mang thân phận người tù, được thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội bỏ mạng chốn lao tù…
Cụ Phương tâm sự: “Chúng tôi, những cựu tù Côn Đảo khi xưa, đã cống hiến tất cả để bảo vệ tổ quốc, đánh đổi cuộc sống, gia đình, tình yêu và những giấc mơ của riêng mình. Đau thương thể xác, không là gì so với những đồng đội đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu đầy gian khổ, giành lại độc lập tự do, hạnh phúc cho thế hệ mai sau”.
Nỗ lực chăm lo cuộc sống người có công
Đại diện đơn vị tổ chức hành trình về nguồn lần này, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết: “Khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, TPHCM đã triển khai nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công…”.
Theo bà Như Trang, TPHCM đã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 188,8 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
“Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của nhân dân TPHCM nói riêng và mỗi con người Việt Nam nói chung”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố nhận định.
Hiện TPHCM đang quản lý gần 280.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công, số lượng chăm lo rất lớn. Do đó, Thành phố không ngừng nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng…
Ngoài các chế độ ưu đãi theo quy định của Trung ương, Thành phố luôn dành kinh phí hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương. Trong các dịp lễ, Thành phố đều thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân.
Dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, TPHCM đã tổ chức chăm lo cho 119.363 người có công và thân nhân với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng.
Dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 49 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), Thành phố tổ chức thăm, tặng quà cho 151 chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Thành phố…
Bà Huỳnh Lê Như Trang nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn quan tâm và thực hiện tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Qua đó tỏ lòng quý trọng và biết ơn đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Từ ngày 29-31/5, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tham mưu cho Thành phố tổ chức chuyến hành trình về nguồn thăm Côn Đảo anh hùng.
Tham gia hành trình có ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM; ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố; ông Võ Ái Dân, Phó Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Thành phố; bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố…
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/doan-khach-dac-biet-ve-con-dao-tai-hien-nhung-man-tra-tan-chay-vo-ma-trac-20240531133148494.htm