Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 42 vào tháng 5/2023.
Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56, Quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồ đã chia sẻ về tầm quan trọng của Hội nghị đối với chặng đường phát triển của Cộng đồng và những mục tiêu của Hiệp hội trong năm 2023.
Hội nghị AMM lần này diễn ra sau Hội nghị cấp cao ASEAN 42 thành công với nhiều kết quả và cam kết quan trọng, đồng thời năm ASEAN 2023 đang đi về nửa cuối hành trình, trong bối cảnh khu vực và quốc tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị AMM lần này đối với mục tiêu chung của ASEAN?
Hội nghị AMM-56 và các Hội nghị liên quan từ ngày 8-14/7 tại Jakarta, Indonesia là loạt hoạt động có quy mô lớn nhất hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Mục đích chính của các hội nghị này là kiểm điểm những thành quả đã đạt được trong nửa đầu năm và xây dựng định hướng cho hợp tác ASEAN trong phần thời gian còn lại của năm. Có thể thấy các hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là cuộc tổng kết giữa năm lại là một bước đẩy mạnh các quyết tâm của ASEAN với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Hợp tác ASEAN là tiến trình lâu dài, phức tạp vừa sâu, vừa rộng, có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành của các nước thành viên, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài. Bởi vậy, các Hội nghị AMM luôn là “ngày hội của khu vực”, không chỉ là nơi trao đổi về hợp tác ASEAN mà còn là nơi giao lưu, kết nối giữa các nước với nhau.
Trên cơ sở đó, AMM thành công sẽ là một đóng góp cho đối thoại và hợp tác trong khu vực, là tài sản chung của cả ASEAN.
Thông điệp về đoàn kết ASEAN và nhu cầu một ASEAN đổi mới, nhiều năng lượng hơn đã được lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh tại Cấp cao ASEAN 42. Tại AMM dịp này, đâu là những sáng kiến trọng tâm mà đoàn Việt Nam muốn nhấn mạnh, thưa Đại sứ?
Như đã đề cập trên đây, các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN đều có những sắc thái riêng, là nỗ lực của các thành viên dành cho Cộng đồng. Các ưu tiên, sáng kiến do Chủ tịch đề xuất, được Lãnh đạo thông qua cũng đều trở thành tài sản chung của Hiệp hội. Bởi vậy, triển khai thành công các ưu tiên sáng kiến trong năm là nhiệm vụ của thành viên.
Riêng với ASEAN, đặc điểm nổi lên trong 2023, đang được Indonesia ráo riết triển khai, chính là một ASEAN đoàn kết hơn, năng động hơn và độc lập hơn. Bởi vậy, các sáng kiến đều hướng xây dựng một ASEAN ở vị trí trung tâm, ứng phó thành công với thách thức của thời đại, là động lực cho sự phát triển trong khu vực. Đúng như chủ đề của ASEAN 2023 “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của phát triển”.
Trong bức tranh này, đoàn Việt Nam tham gia các Hội nghị với một tâm thế tự tin, tích cực, chủ động tham gia và đóng góp xây dựng, có trách nhiệm hướng tới củng cố đoàn kết, phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh ASEAN thống nhất, là lực lượng chủ đạo trong các nỗ lực chung phấn đấu vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trong khu vực.
Với các đối tác, Việt Nam trao đổi trên tinh thần hòa hiếu, lấy đối thoại làm căn bản, tránh đối đầu, giảm khác biệt, khuyến khích đối tác hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. Đương nhiên, đoàn Việt Nam vẫn sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích Cộng đồng, vững vàng với các nguyên tắc song linh hoạt trong các triển khai.
Nhiều người đã nghĩ đến một cái kết như ý nguyện đối với một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả trong năm 2023 trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Xin Đại sứ cho biết vấn đề Biển Đông hay Myanmar sẽ được trao đổi như thế nào trong khuôn khổ AMM lần này?
Hợp tác ASEAN là tiến trình khu vực, có sự tham gia với chừng mực khác nhau của nhiều nước trên thế giới kể cả các nước lớn. Tình hình quốc tế và khu vực cũng là nội dung thường xuyên các Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi tại các Hội nghị. Tất cả những vấn đề đang nổi lên, trong đó, các diễn biến trên Biển Đông, nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar hay cả những “điểm nóng” khác trong khu vực như Bán đảo Triều Tiên hay quan hệ xung quanh eo biển Đài Loan đều sẽ được các nước đề cập.
Đã từ lâu, tên tuổi của ASEAN được biết tới nhờ “phương thức ASEAN”. Đối thoại thẳng thắn, trao đổi chân thành, tham vấn chặt chẽ là các phương thức chủ yếu ASEAN sử dụng để hướng tới hợp tác. Với những phương thức này, các nước sẽ tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề dù là những vấn đề khó khăn, phức tạp hay thậm chí nhạy cảm tới đâu.
Biển Đông, vùng biển có ý nghĩa quan trọng không chỉ về địa chính trị mà còn là huyết mạch của hàng hóa thế giới. Xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là nhiệm vụ chung của tất cả các nước.
Đành rằng, trong quan hệ quốc tế, khó tránh khỏi tranh chấp, nhất là về lãnh thổ, lãnh hải. Nhưng nếu tất cả các bên đều cam kết với kiềm chế, với xây dựng lòng tin, với luật pháp quốc tế, những tranh chấp này sẽ được kiểm soát. Tương tự như vậy, những phức tạp trên Biển Đông đều có thể giải quyết một cách hòa bình với tinh thần đối thoại, thượng tôn pháp luật.
Mục đích của việc xây dựng COC chính là góp phần tạo dựng môi trường phù hợp cho các bên đối thoại, xây dựng lòng tin. Quá trình này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Qua các trao đổi có thể thấy, đến nay các bên cũng đã hiểu nhau hơn, sẵn sàng cùng phấn đấu vì một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc điểm lại tình hình trên Biển Đông, những tiến bộ đạt được trong xây dựng COC và thống nhất những định hướng lớn cho quá trình này.
Trong hơn hai năm qua, những biến động tại Myanmar thu hút sự quan tâm của các nước. Myanmar là một thành viên ASEAN, do đó bàn cách để hỗ trợ thành viên đang gặp khó khăn là điều đương nhiên, đây cũng là một nét của văn hóa ASEAN. Lâu nay, ASEAN rất nhất quán trong quan điểm của mình, đó là các vấn đề của Myanmar phải do người dân Myanmar tự quyết định, ASEAN hỗ trợ hết mình để các vấn đề này được giải quyết trong hòa bình. Bên cạnh đó, ASEAN vẫn sẽ cung cấp các viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Một lần nữa có thể thấy, chuỗi Hội nghị AMM lần này sẽ là sự kiện khẳng định tinh thần đoàn kết ASEAN, sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành vì hòa bình, ổn định và phồn vinh chung.
Hiệp hội đang hướng tới kỷ niệm 56 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2023). Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò và vị thế của Hiệp hội trong khu vực và quốc tế hiện nay?
ASEAN ra đời, tồn tại và phát triển hơn nửa thế kỷ. Những khó khăn, thách thức ASEAN vượt qua trong suốt chiều dài lịch sử đã cho thấy sức sống mạnh mẽ của Hiệp hội. Thành công của ASEAN có sự đóng góp của các thành viên và đổi lại, đằng sau những thành công và phát triển của các thành viên có bóng dáng của ASEAN.
Ở tuổi 56, ASEAN trải qua nhiều “gập ghềnh” của lịch sử, chín chắn và trưởng thành hơn. Những bồng bột, thậm chí nghi kị đã qua đi, lòng tin đã định hình, tham vấn là tập quán, hợp tác thành thói quen. Chính những điều này đã làm cho ASEAN trở nên tốt đẹp hơn, nhận được những đánh giá cao hơn từ các đối tác, bạn bè quốc tế.
Tóm lại, ASEAN ngày nay là lực lượng chủ chốt trong hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định và phồn vinh chung và cũng là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của các thành viên.
baoquocte.vn