Ngày 20.5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và phu nhân đã có lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.
Ứng phó khủng hoảng chưa từng có tiền lệ
Phiên họp đầu tiên với chủ đề “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng” có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước G7, 8 nước khách mời và một số tổ chức quốc tế. Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thảo luận về các biện pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, diễn ra ngày càng thường xuyên, trong nhiều lĩnh vực như lương thực, y tế, kinh tế phát triển…
Trong bài phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương. Yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của G7 về Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII). Đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu thông điệp về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, nhấn mạnh đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hiroshima.
Theo đó, quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu SDG.
Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo G7 và khách mời đã chia sẻ quan điểm và đưa ra các giải pháp tạo thêm các động lực mới cho Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Phiên họp đã tán thành triển khai mạnh mẽ Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu theo sáng kiến của Nhật Bản.
Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên họp “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, tập trung vào các chủ đề quan trọng gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.
Đồng thời, đề nghị các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch.
Thủ tướng cho rằng các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xóa, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo. Thủ tướng đề xuất cần tiếp cận sáng tạo trong huy động các nguồn tài chính đa dạng, chú trọng hợp tác công tư (PPP), tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh ủng hộ sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng ĐBSCL của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mê Kông phát triển bền vững.
Tại phiên họp, nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác quốc tế trong ứng phó các thách thức toàn cầu, cũng như yêu cầu nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt về tài chính trong thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc cân bằng giữa thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 với bảo đảm an ninh năng lượng. Nhiều nước nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể được thực hiện với nhiều lộ trình khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi quốc gia.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng cũng tham dự sự kiện về Sáng kiến PGII. Đây là sáng kiến quan trọng của nhóm G7 trong thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước đang phát triển thông qua huy động tài chính công và hợp tác công – tư.
Hôm nay 21.5, các nhà lãnh đạo G7 mở rộng sẽ tiếp tục tham dự phiên họp thứ 3 về chủ đề “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.