Ngày 18/9, Đoàn giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thời gian qua, việc tiếp công dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đạt kết quả tốt; công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh được thực hiện theo quy trình, nội quy, quy chế tiếp công dân đã được ban hành theo quy định; cán bộ, công chức tiếp công dân ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Trong 2 năm 2022 và 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh 24/24 kỳ (ngày), đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, để chủ động giải quyết bức xúc, vướng mắc của người dân, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tăng cường các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia tiếp công dân 21 kỳ (ngày).
Đặc biệt, các buổi tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp Công dân tỉnh đã tổ chức kết nối truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu của UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các Sở, ban, ngành cấp tỉnh để các đơn vị theo dõi, nắm bắt vụ việc có liên quan, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, có những giải đáp, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho công dân tại buổi tiếp công dân, hạn chế phát sinh những vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tổ chức 21 lớp tập huấn để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo với 1.420 lượt cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Công tác phối hợp với các cơ quan, MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể được quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các huyện xây dựng Kế hoạch và Quy chế tiếp công dân trên địa bàn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân; chỉ đạo các đơn vị kịp thời xử lý, giải quyết đơn thư của công dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được lãnh đạo các cấp quan tâm, hầu hết các vụ việc được xem xét giải quyết. Công tác giải quyết kiến nghị của công dân cũng được thực hiện thận trọng, theo quy trình, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan thanh tra.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo tỉnh cũng dành thời gian đi cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân, đặc biệt là tìm hiểu việc ứng xử, xử lý của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết từng kiến nghị cụ thể. Từ đó, xác định những vướng mắc trong quá trình giải quyết, nếu có vấn đề cần làm rõ, tỉnh sẽ giao cơ quan thanh tra vào cuộc.
Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, chiếu theo quy định của pháp luật, thẩm quyền của tỉnh có thể không giải quyết được cho công dân, song tỉnh sẽ tìm hiểu kỹ tâm tư của người dân, xử lý, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng cho người dân. Đặc biệt, việc giải quyết kiến nghị sẽ vận dụng các giải pháp, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho dân.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tỉnh Thừa Thiên – Huế là một trong những địa phương có rất ít đơn thư vượt cấp (1 vụ việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp lên Trung ương), thể hiện nỗ lực cao của tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị cấp ủy tiếp tục lãnh chỉ đạo việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo của Chính phủ; quan tâm hơn đến công tác lưu trữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ khiếu nại, tố cáo; đổi mới phương pháp, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo sâu rộng đến Nhân dân.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm đối với thủ trưởng các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để kịp thời nắm bắt thực trạng và có phương án khắc phục hạn chế còn tồn tại. Đôn đốc các đơn vị được kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục quan tâm đến việc lựa chọn cán bộ, tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ, cũng cần đề xuất có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên cán bộ thực hiện nhiệm vụ này.
Đối với những ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, các cơ quan, đơn vị tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp và báo cáo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để có những kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành có liên quan.
Nguồn: https://daidoanket.vn/doan-giam-sat-cua-ubtu-mttq-viet-nam-lam-viec-tai-tinh-thua-thien-hue-10290563.html