Tiền lương giáo viên không tương xứng với công sức
Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có kết luận phiên làm việc với Chính phủ về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Phiên làm việc trước đó được tổ chức vào ngày 27/7 dưới sự chủ trì của ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát.
Đoàn đánh giá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ ngành, tỉnh thành và toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai nghị quyết tạo chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc triển khai đổi mới còn những hạn chế, bất cập, do đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình với các ý kiến đã trao đổi tại buổi làm việc.
Với 4 nội dung đề nghị cần quan tâm và có biện pháp khắc phục, đoàn nhấn mạnh tới bất cập trong chính sách dành cho đội ngũ giáo viên.
Đoàn giám sát nhận thấy tình trạng bất cập về cơ cấu giáo viên, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu – cục bộ; thiếu giáo viên ở nhiều địa phương nhưng không tuyển được, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học nghệ thuật ở bậc THPT.
Hơn 9.000 giáo viên công lập bỏ việc năm học 2022-2023
Tình trạng giáo viên công lập bỏ việc trong bối cảnh cả nước thiếu 118.253 nhà giáo được Bộ GD&ĐT nêu tại Hội nghị Giám đốc Sở năm 2023 tổ chức hôm 24/7.
Năm học qua, toàn quốc giảm hơn 19.300 giáo viên công lập. Số này bao gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc.
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành. Nguyên nhân chủ yếu do việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp, nhất là với giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới rất thấp.
Điều này không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo của giáo viên, chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới.
Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là đối với những môn học mới, hoạt động giáo dục mới được Đoàn giám sát đánh giá chưa bảo đảm chất lượng, chưa đủ để giáo viên triển khai đúng yêu cầu.
Ở một số địa phương, số giáo viên cốt cán ít, việc bố trí giáo viên cốt cán tập huấn cho giáo viên đại trà còn hạn chế về thời gian, tài liệu, chế độ bồi dưỡng… Một số địa phương khác, giáo viên tư thục phải tự trang trải kinh phí bồi dưỡng. Các nhà xuất bản tập huấn về nội dung sách giáo khoa chưa phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của giáo viên.
Thiếu trường, lớp, kinh phí
Công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, hầu hết các địa phương đều tích cực chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị hiện có; đồng thời, rà soát, mua sắm mới.
Song, các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 chậm, chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước đối với lĩnh vực GD&ĐT.
Số lượng trường, lớp thiếu nhiều, đặc biệt ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương có số lượng di dân tự do lớn.
Nhiều địa phương vẫn còn sử dụng phòng học nhờ, phòng học tạm. Tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố hóa còn cao. Số lượng trường học thiếu phòng học bộ môn, thư viện trường khá lớn.
Tỷ lệ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo chương trình mới tại các địa phương còn rất thấp, cả nước mới chỉ đáp ứng thiết bị dạy học tối thiểu được 54,3%. Việc bổ sung trang thiết bị tối thiểu còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Qua giám sát thực tiễn về kinh phí thực hiện chương trình mới, tình trạng tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục còn thấp, tiến độ chậm.
Một số địa phương thiếu nguồn lực đầu tư cho giáo dục nói chung và cơ sở vật chất, trang thiết bị nói riêng dẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2015-2022, các nguồn đầu tư cho giáo dục có tỷ lệ như sau: ngân sách Trung ương chiếm 6,2%; ngân sách địa phương là chiếm 75,5%; vốn ngoài nước (vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại) là 41.053,89 tỷ đồng (chiếm 19,2%); nguồn xã hội hóa chiếm 3%.
Trước thực tế trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình đối với ý kiến do đơn vị này nêu ra.
Trong thời gian tới, để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới đội ngũ nhà giáo, bởi họ là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai chương trình.
Đoàn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và có giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu.
Chính phủ cũng cần quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng quá tải, thiếu lớp học, trường học ở các thành phố lớn và dự báo nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.