Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo các sở, ban, ngành: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở LĐTB&XH Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, quận Nam Từ Liêm.
Cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng (1912-1988) xuất thân trong một gia đình trung nông, gia giáo ở làng Hòe Thị, xã Xuân Phương (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm). Năm 30 tuổi, ông trở thành thầy thuốc giỏi, cùng em gái mở bệnh viện tư chữa bệnh cứu người. Trong thời gian này, với tài năng và uy tín của mình, ông đã nhiều lần che chở các chiến sĩ Việt Minh thoát khỏi vòng vây của kẻ thù.
Tấm lòng sắt son vì dân, vì nước của bác sĩ Trần Duy Hưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng, đề nghị ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Năm 1954, bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Đến tháng 10-1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô, nay là UBND TP Hà Nội.
Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), đồng chí Trần Duy Hưng đã có những đóng góp to lớn với Thủ đô. Người dân vẫn nhớ tới bác sĩ Trần Duy Hưng với hình ảnh vị lãnh đạo thành phố giản dị, gần gũi với nhân dân. Ông cũng là người lãnh đạo để nông nghiệp Thủ đô có năng suất lúa cao nhất miền Bắc, các hoạt động công – nông – thương nghiệp luôn đi đầu cả nước…
Trước anh linh cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những đóng góp của đồng chí Trần Duy Hưng cho đất nước, Thủ đô. Cuộc đời và sự nghiệp của các bậc lão thành cách mạng, trong đó có cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng luôn là tấm gương sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Đồng thời, các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng nguyện kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của Thủ đô Hà Nội, tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, tập trung khai thác mọi nguồn lực, phát huy các giá trị xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/doan-dai-bieu-thanh-pho-ha-noi-dang-huong-tuong-niem-dong-chi-tran-duy-hung.html