Sáng 9/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ.
Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ 16 gồm các tỉnh: Cao Bằng, Hà Tĩnh, Đồng Nai.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tuy nhiên cho rằng dự án luật vẫn còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện. Đồng chí cho biết, hồ sơ dự thảo luật gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội bị chậm về thời gian gây khó khăn rất lớn cho các đại biểu để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Góp ý đối với một số điều khoản cụ thể, đại biểu cho rằng, tại khoản 11, 15 Điều 3 quy định “Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất…”, “Đất đang có tranh chấp là thửa đất đang có tranh chấp đất đai…”, đề nghị Ban soạn nghiên cứu bổ sung, giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về các khái niệm này.
Đối với Quỹ phát triển đất, tại khoản 3, Điều 113 quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất”. Theo đại biểu, quy định cụ thể mức tối thiểu 10% như dự thảo là không nên vì nhu cầu sử dụng và nguồn thu từ đất ở các địa phương rất khác nhau, do đó việc quyết định quỹ phát triển đất có thể giao cho HĐND quyết định trên cơ sở tình hình thực tiễn của các địa phương.
Về nguyên tắc, căn cứ phương pháp định giá đất tại Điều 158 quy định như vậy là chưa rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Về bảng giá đất, đề nghị quy định cụ thể trong luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất như Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu. Hội đồng thẩm định giá đất xem xét lại thành phần hội đồng để nâng cao tính chuyên môn, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của hội đồng; quy trình, thủ tục, thời gian thẩm định giá đất. Đánh giá tính khả thi của quy định UBND cấp tỉnh, cấp huyện mời các chuyên gia độc lập tham gia vào hội đồng mà phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật. Tách bạch về thẩm quyền quyết định; căn cứ, tiêu chí và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đất; quan hệ giữa thẩm quyền của Hội đồng thẩm định giá với thẩm quyền quyết định giá đất của UBND và tổ chức tư vấn, định giá đất.
Việc căn cứ xác định giá đất tại điểm d, khoản 2, Điều 158 quy định “Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất”, đại biểu bày tỏ lo ngại vì quy định này không rõ ràng, có thể phát sinh nhiều rủi ro, phức tạp, do vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên bỏ hay không để các địa phương có thể áp dụng dễ dàng hơn trong thực tiễn.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Hà Tĩnh tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ.
Lê Điệp