Cụ thể, chiều 9-4, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Sửu cho biết, ý kiến đề nghị Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam không phân luồng xe tải trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe tải trên 6 trục từ đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn về Quốc lộ 1A của Quảng Trị cũng chính là ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc cấm các loại xe kể trên lên đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn như hiện nay là thiếu cơ sở pháp lý, không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Phát sinh nhiều bất cập
Theo Quyết định số 1747/QĐ-CĐBVN của Cục Đường bộ Việt Nam, từ 6 giờ ngày 4-4, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe từ 6 trục (gồm cả xe thân liền và tổ hợp xe đầu kéo) không được lưu thông trên đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn.
Ngay khi quyết định này được ban hành, nhiều người dân Thừa Thiên Huế và Quảng Trị phản ứng và Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về phương án phân luồng giao thông này sẽ khiến Quốc lộ 1A nguy cơ thành điểm đen TNGT (Báo SGGP đã thông tin).
Tuy nhiên, âu lo của người dân và kiến nghị của Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế không được Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.
Cụ thể, Cục Đường bộ không chấp thuận với lý do so với năng lực thông hành của cao tốc Cam Lộ – La Sơn là 9.200 – 11.000 PCU/ngày đêm và Quốc lộ 1A là 31.000 – 33.000 PCU/ngày đêm thì cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã mãn tải. Quốc lộ 1A chưa mãn tải, có thể cho phép phân luồng một số xe sang Quốc lộ 1A. Ngoài ra, cao tốc Cam Lộ – La Sơn đi qua phần lớn các vùng đồi núi, địa hình phức tạp; mưa nhiều, hay có sương mù về đêm, tầm nhìn hạn chế; xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo thực tế chỉ đạt 35 – 40km/h so với tốc độ tối thiểu là 60km/h. Trong khi đó, cao tốc Cam Lộ – La Sơn có 2 làn xe, khoảng 8 – 10km mới bố trí một điểm tránh vượt xe. Việc xe tải nặng leo dốc với tốc độ chậm, xe phía sau phải xếp hàng nối đuôi, tạo tâm lý ức chế, dễ xảy ra việc vượt xe tự phát tại những vị trí cấm vượt, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông…
Ngày 8-4, sau 4 ngày cấm các loại phương tiện nói trên lưu thông vào đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam về việc phân luồng giao thông đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn qua tỉnh Quảng Trị.
Ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị là người ký văn bản, cho rằng: “Vì sự bình yên của người dân, đề nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị không phân luồng xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe từ 6 trục về Quốc lộ 1A”.
Nguyên nhân, qua khảo sát, nắm tình hình và tiếp nhận ý kiến của người dân và chính quyền, các ngành chức năng địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhận thấy việc phân luồng giao thông này phát sinh những bất cập.
Theo đó, Quốc lộ 1A đoạn qua TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là trung tâm hành chính của tỉnh nhưng đến nay chưa có đường tránh. Các phương tiện liên tỉnh phải đi qua trung tâm thành phố với mật độ dày đặc, tổ chức giao thông có làn dành cho các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe mô tô hai bánh, xe đạp, người đi bộ… cùng mức với làn xe cơ giới. Mặt khác, Quốc lộ 1A đã đầu tư và khai thác nhiều năm, chất lượng mặt đường xuống cấp, đã xuất hiện nhiều vệt hằn lún bánh xe, ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn, nhất là những giờ cao điểm, trời mưa, ban đêm, tầm nhìn hạn chế.
Quốc lộ 1A còn có 216 đường nhánh đấu nối cùng mức, lưu lượng phương tiện tại các điểm giao rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Qua thống kê cho thấy, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan các ô tô tải, ô tô đầu kéo với xe mô tô, xe gắn máy.
Dọc Quốc lộ 1A ở phía Nam tỉnh Quảng Trị có 4 huyện, thị xã, thành phố và các phường, thị trấn với dân cư đông đúc, các trường học dọc hai bên, khu công nghiệp… với số lượng người dân, công nhân và học sinh đi qua lại trên Quốc lộ 1A rất lớn, do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài ra, số lượng phương tiện ô tô, mô tô, xe máy, xe đạp lưu thông trên Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Trị trên thực tế rất lớn. Khi các phương tiện xe ô tô tải nặng, ô tô khác lưu thông tăng đột biến sẽ làm tình hình trật tự ATGT trên tuyến qua khu vực này càng phức tạp, khó lường.
Việc phân luồng giao thông trên cao tốc cũng sẽ xảy ra tình trạng các xe tải lớn “né tránh” trạm thu phí, đi vào các trục đường địa phương làm mức độ xuống cấp của các con đường này thêm nghiêm trọng, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Cần lắng nghe ý kiến người dân và có đánh giá toàn diện
Cũng theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, trước khi đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn đưa vào vận hành, năm 2022, Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người và làm bị thương 38 người.
Sau khi cao tốc được đưa vào vận hành, năm 2023, quốc lộ này đã xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người và làm bị thương 25 người, giảm 24 vụ, giảm 15 người chết và giảm 13 người bị thương.
Trong khi đó, từ ngày 1-1 đến ngày 25-3-2024 trên đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 người và làm bị thương 2 người. Qua phân tích và đánh giá thì nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn trên ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông.
Vẫn theo văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, với các thông tin nêu trên cho thấy, việc phân luồng giao thông trên đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn như hiện nay là chưa có cơ sở khoa học cũng như thực tiễn chứng minh là đúng đắn, hiệu quả và thiết thực; chưa đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng; đẩy “rủi ro” về cho địa phương và người dân tỉnh Quảng Trị.
Do đó, nhất thiết cần có sự phân tích, nhìn nhận, đánh giá toàn diện, đầy đủ và nhất là lắng nghe ý kiến của người dân, chính quyền các địa phương nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp.
“Vì sự bình yên cho cuộc sống người dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xem xét kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị”
– ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
VĂN THẮNG