Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.
Tham dự có ông Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu, đại biểu Quốc hội khoá XV; đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội; sở, ngành liên quan; Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thuý trình bày những bất cập, hạn chế đối với Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012; khái quát những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung của các dự thảo luật trên.
Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tại điểm h, khoản 1, Điều 29 “Khu vực dự kiến phát triển nhà ở phân theo đơn vị hành chính cấp huyện”, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này. Vì căn cứ để xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Trong 5 năm, 10 năm, địa phương thường có sự điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, cũng như quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thay đổi về quy mô dân số.
Do đó, sẽ rất bất cập, không khả thi khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến việc phải điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Chương trình phát triển nhà ở quy định trong luật chỉ nên quy định khung, không cần chi tiết hoá để các địa phương có thể linh hoạt trong việc thực hiện.
Hiện nay, người dân có xu hướng sử dụng mô hình nhà ở liền kề không tầng thay vì loại hình nhà chung cư, do phải trả chi phí bảo trì, quản lý vận hành, hoạt động của ban quản trị nhà chung cư. Việc chỉ quy định loại hình nhà ở chung cư không phù hợp đối với các đô thị còn quỹ đất lớn, do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh bổ sung ở khoản 1, Điều 79: “Nhà ở xã hội là nhà chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ, được đầu tư xây dựng theo dự án phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh góp ý đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại khoản 3, Điều 85, đại biểu đề nghị không quy định thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, mà thời hạn do người thuê nhà và chủ đầu tư tự thoả thuận trong hợp đồng. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý nội dung liên quan đến quyền sở hữu của người nước ngoài, đề nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến để ban soạn thảo xem xét và có giải thích cụ thể ở Điều 18, 19 của dự thảo luật để đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo với Luật Đất đai. Bổ sung khái niệm “Nhà ở hợp pháp” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện vì thời gian qua, các phường, xã mỗi nơi hiểu theo một kiểu.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm “loại hình căn hộ du lịch”, “biệt thự du lịch”; xem xét lại cách giải thích cụm từ “dự án bất động sản”; bổ sung các loại hình kinh doanh hạ tầng khu cụm công nghiệp.
Tại khoản 2, Điều 48, cần quy định rõ và phân định trách nhiệm khi xác định giá giao dịch bất động sản, cụ thể chủ thể thực hiện là đơn vị quản lý sử dụng tài sản bất động sản, đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả xác định giá giao dịch bất động sản của chủ sở hữu.
Ngoài ra, đại biểu góp ý các điều luật khi được ban hành nên quy định ngắn gọn, súc tích để người đọc dễ hiểu.
Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại biểu để tổng hợp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khoá XV.
Trúc Ly