Nối tiếp những hoạt động bên lề của Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên, lần thứ 10 (vòng 4), sáng nay 23-4, các đại biểu của đoàn Báo Đảng các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã đến tham quan Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thăm Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Các đại biểu dâng những nén hương thơm lên long vị Vua Hàm Nghi
Các đại biểu dâng những nén nhang thơm lên long vị Vua Hàm Nghi
Tại Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, các đại biểu đã dâng những nén nhang thơm lên long vị Vua Hàm Nghi bày tỏ lòng tôn kính đối với vị vua trẻ yêu nước, khí tiết kiên trung, cảm phục trước tinh thần vị nước vong thân của các tướng sĩ Cần Vương.
Các đại biểu tham quan khu đền thờ Vua Hàm Nghi
Sau lễ dâng hương, các đại biểu đã tham quan khu đền thờ và tìm hiểu lịch sử phong trào Cần Vương qua giới thiệu của hướng dẫn viên và các hiện vật được lưu giữ tại đây…
Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương đang được huyện Cam Lộ nỗ lực xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xây dựng, khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên giúp vua chống lại giặc Pháp xâm lược (1885-2020). Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương đang được huyện Cam Lộ nỗ lực xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương có diện tích xây dựng khoảng 243m2
Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương có diện tích xây dựng khoảng 243m2 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 7 tỉ đồng, được thiết kế gồm 5 gian: Gian thờ Vua Hàm Nghi ở giữa, các gian thờ Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường cùng các tướng sĩ Cần Vương, các văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương ở hai bên.
Các đại biểu tìm hiểu lịch sử phong trào Cần Vương qua qua giới thiệu của hướng dẫn viên các hiện vật được lưu giữ
Cùng với đó là hệ thống tường rào, sân vườn, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ được đầu tư cơ bản hoàn thiện. Giá trị lịch sử, quy mô kiến trúc cùng với hệ thống văn bia, đồ thờ tự đã hòa quyện, hợp thành một chỉnh thể không gian linh thiêng, mang đậm nét kiến trúc thời nhà Nguyễn đã tạo ra sức hút với nhiều du khách gần xa.
Các đại biểu tìm hiểu lịch sử phong trào Cần Vương qua các hiện vật được lưu giữ
Huyện Cam Lộ cũng đang phối hợp với Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị tìm hiểu và thu thập thêm các hiện vật cổ, phấn đấu sớm hình thành chuỗi điểm du lịch hấp dẫn của huyện Cam Lộ là Nhà Tằm Tân Tường, Cao điểm 241, chùa Cam Lộ, Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Khu di tích Thành Tân Sở…
Đoàn đại biểu đã đến tham quan, tìm hiểu tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam
Tiếp đó, đoàn đại biểu đã đến tham quan, tìm hiểu tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ.
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (tháng 6-1969), nhất là sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), để tạo ra một diện mạo mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, tiến hành thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt trụ sở làm việc.
Theo thiết kế, khu trụ sở Chính phủ được chia làm 2 khu: khu A và khu B trên diện tích 15.000 m2. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao và nhà dinh dưỡng. Khu B gồm 5 dãy nhà: Nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, nơi làm việc của phóng viên báo chí, nhân viên, cán bộ của Chính phủ. Kết cấu của các khu nhà trụ sở Chính phủ theo kiểu nhà lắp ghép hai xông, mái nhọn, vài kẻo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ.
Khu Trụ sở Chính phủ Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích quốc gia
Mặc dù được tiến hành xây dựng khẩn trương trong thời gian ngắn, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở Chính phủ vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, vườn hoa, cây cảnh… Nơi đây, từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đón 49 đoàn khách quốc tế, nhiều lãnh tụ của các nước, trong đó có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Goerges Marchais… Đặc biệt việc Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị (tháng 9-1973) có một ý nghĩa hết sức to lớn, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua, Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ đang được bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp nhằm tái hiện một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng, khẳng định những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng như vị trí, vai trò quan trọng của vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Khu Trụ sở Chính phủ Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định 154/QĐ-VH ngày 25-1-1991.
Nhóm PV CT-XH