Đoàn công tác Đại học Harvard Mỹ đã trao tặng bản sao cuốn nhật ký của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam có bút tích về Truyện Kiều cho Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Chiều 9/4, đoàn Đại học Harvard (Mỹ) do Tiến sĩ Anthony James Saich – Giáo sư quan hệ quốc tế, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Quản lý nhà nước, Trường Quản lý nhà nước và chính sách công Kennedy (HKS), Đại học Harvard, Chủ nhiệm Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” dẫn đầu đã đến tham quan và trao kỷ vật cho Khu di tích Nguyễn Du. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tiếp đón đoàn công tác. |
Đoàn công tác Đại học Harvard và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương tưởng niệm tại nhà thờ Nguyễn Du.
Tiếp đó, đoàn đã tham quan khu di tích, bảo tàng – nơi trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào như: nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du…
Sau khi tham quan, đoàn công tác Đại học Harvard đã trao bản sao cuốn nhật ký của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam do Trung tâm Khai thác tài liệu tổng hợp về chiến tranh Việt Nam (CDEC) thu thập.
Bản sao cuốn nhật ký có bút tích về Truyện Kiều được trao cho BQL Khu di tích Nguyễn Du để lưu giữ, trưng bày.
Qua trao đổi, Tiến sỹ Anthony James Saich bày tỏ ấn tượng với Khu di tích và Đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều. Cuốn sổ tay của chiến sỹ Việt Nam có bút tích về truyện Kiều – Nguyễn Du là tài liệu, kỷ vật được tìm kiếm khá khó khăn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cảm ơn đoàn công tác đã và đang thực hiện Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá”; đặc biệt, đã trao bản sao cuốn nhật ký cho BQL Khu di tích Nguyễn Du. Đây là kỷ vật rất đáng trân trọng sẽ được BQL Khu di tích lưu giữ cẩn thận…
Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” được tiến hành trên cơ sở bản ghi nhớ của hai chính phủ Việt Nam và Mỹ thực hiện “Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh” được ký kết tháng 7/2021. Dự án nhằm giúp chính phủ và Nhân dân Việt Nam xác định danh tính và tìm hài cốt liệt sĩ dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử của Mỹ. Theo lịch trình, sáng 10/4, đoàn công tác Trường Harvard sẽ đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Kim Lai, người trong tấm ảnh “O du kích nhỏ”; tham quan và dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. |
Hữu Trung