Chiều 10/5, Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc do đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm trưởng đoàn làm việc tại tỉnh về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính và các vấn đề khác trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành.
Giai đoạn 2021 – 2023 (ước thực hiện đến hết năm 2023), tổng sản phẩm (GRDP) tăng trưởng bình quân 5,46%/năm; GRDP bình quân theo giá hiện hành đạt 40,34 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản/1 đơn vị diện tích (ha) bình quân đạt 44 triệu đồng/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng bình quân 9,8%/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 12,34%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 2%/năm. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 58%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 95%; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) bình quân giảm trên 4%/năm; 86,5% dân cư thành thị được dùng nước sạch, 93% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm…
4 tháng đầu năm 2023, sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng trên các lĩnh vực, trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 1.904,2 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng 13,48% so với cùng kỳ năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.412,17 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 161,33 triệu USD; khách du lịch đạt 476.329 lượt… Tỉnh ưu tiên bố trí 10.789,33 tỷ đồng, bằng 56,8% vốn kế hoạch đầu tư công cho lĩnh vực giao thông – vận tải, trong đó, bố trí 6.526 tỷ đồng, bằng 61% vốn đầu tư lĩnh vực giao thông cho Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát, từ tháng 4/2021 đến nay, đã hỗ trợ về nhà ở cho 3.656 hộ, với tổng số tiền hỗ trợ 153.688 triệu đồng, tương ứng với 26,1% nhu cầu vốn (trong đó, nguồn kinh phí huy động xã hội hóa hỗ trợ 49.928 triệu đồng cho 1.199 hộ, nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 98.980 triệu đồng cho 2.275 hộ).
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được đẩy mạnh và thực hiện nghiêm; thời gian giải quyết thủ tục hành chính được cắt giảm so với quy định; thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cấp tỉnh đạt 99,5%, cấp huyện đạt 99,29%, cấp xã đạt 99,38%…
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc như: thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; khó khăn trong việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án đầu tư; dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong kế hoạch đầu tư công năm 2023 nhưng chưa đủ điều kiện phân bổ vốn chi tiết; Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 6/5/2022 của Chính phủ chưa quy định rõ thời gian được điều chỉnh quy hoạch là đến thời điểm nào nên tỉnh chưa có đủ căn cứ để tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện quy hoạch tỉnh sang năm 2023, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh cũng như thực hiện các thủ tục giải ngân, thanh, quyết toán kinh phí; nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của đối tượng lớn nhưng ngân sách địa phương còn hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa còn khó khăn; ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Tỉnh kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông – Vận tải xem xét, tham mưu bố trí vốn ngân sách Trung ương thực hiện các dự án trọng điểm có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Tờ trình số 359/TTr-UBND ngày 22/2/2023 của UBND tỉnh để địa phương có thêm nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, phát triển hạ tầng khu du lịch thác Bản Giốc; phân cấp cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ về thủ tục công bố các cửa khẩu, lối mở quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ; xem xét phân cấp cho HĐND cấp tỉnh được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác với diện tích chuyển đổi dưới 20 ha đối với các dự án cấp thiết, dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, có tác động liên vùng thực hiện tại địa phương, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh.
Các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng); điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng rút ngắn quy trình, đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, giảm thời gian cấp phép khai thác theo quy mô, công suất khai thác, mục đích sử dụng, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng; xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, chuyển đổi nghề đối với người có đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp của địa phương như: công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản; bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho tỉnh để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh rà soát lại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội; bổ sung đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, những khó khăn, vướng mắc để có cơ sở tháo gỡ kịp thời. Trong triển khai đầu tư công và các chính sách dân tộc trên địa bàn, tỉnh tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức, quản lý tốt nguồn vốn, phân bổ nguồn vốn phù hợp. Tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội để đưa chính sách đến với người dân, có cách thức triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, chất lượng. Xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp mang tính khả thi; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các cấp, ngành cần gắn với công tác dân tộc.
Những ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp chuyển các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thời gian tới, tỉnh quyết tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững.
Diệu Hoa