Chiều 12/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn tiếp tục có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu về tình hình giáo dục – đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Lê Thị Ái Nam, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Thanh Duy cho biết: Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Bạc Liêu đã có sự phát triển ổn định, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của ngành đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm học 2021 – 2022, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành GD. Song, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành và nhân dân, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế của địa phương, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm chất lượng giáo dục và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư xây dựng, mua sắm bổ sung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện, đạt tỷ lệ khá cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 287 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên với 162.368 học sinh, được phân bổ tại 4.768 nhóm, lớp. Toàn ngành có 9.722 công chức, viên chức, người lao động, hầu hết đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh đã xây dựng mới 482 phòng học, phòng chức năng, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học với tổng kinh phí gần 570 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 222 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 82%… Các cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình; tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hàng năm…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn (giữa) và lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bạc Liêu còn đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Bạc Liêu đã có 7 đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác xoay quanh: việc kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; thi học sinh giỏi quốc gia THPT; việc thực hiện chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông; đội ngũ nhà giáo, nhân viên; về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số giáo dục; công tác quản lý dạy thêm, học thêm…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao về những kết quả, nỗ lực đáng ghi nhận trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo của tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt biểu dương sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị và toàn ngành cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Bạc Liêu tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lại có lợi thế về con người và là một trong những điểm sáng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về các chỉ số tốt đối với hành vi, thái độ, lối sống, đạo đức… của học sinh. Đây chính là lợi thế để góp nên thành công của đổi mới giáo dục – đào tạo thời gian tới.
Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu – Lâm Thị Sang nêu những khó khăn, vướng mắc của ngành GD-ĐT thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn quyết liệt thực hiện đổi mới, thách thức đặt ra lớn, nên sự quan tâm của địa phương là hết sức quan trọng. Bởi vậy, thời gian tới tỉnh cần quan tâm, ưu tiên nguồn ngân sách cho giáo dục; đặc biệt là thời điểm đổi mới giáo dục phổ thông đang vào giai đoạn nước rút, những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên càng đòi hỏi gay gắt. Tỉnh cũng cần tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên được phân bổ, đồng thời có giải pháp để giảm số lượng người hưởng lương ngân sách, trong đó một trong những giải pháp được Bộ trưởng nhắc tới là tăng cường xã hội hóa trong giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn lưu ý tỉnh và ngành Giáo dục Bạc Liêu cần tập trung chuẩn bị cao độ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học mới, trong đó quan tâm tới việc tập huấn giáo viên, chủ động hỗ trợ để giáo viên không lúng túng; chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào cuối tháng 6 và chuẩn bị cho tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Giáo dục – Đào tạo còn trao đổi về những định hướng với giáo dục Bạc Liêu, đồng thời giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Tin, ảnh: Đ.K.C