Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh định hướng nội dung buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, nhận thức về tầm quan trọng của nền Đông y và Hội Đông y trong tình hình mới ngày càng sâu sắc. Công tác kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh về Đông y được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc, các cơ sở khám chữa bệnh đông y ngày càng tăng, trang bị cơ sở vật chất hiện đại. Hiện tỉnh có 1 trung tâm nghiên cứu, thừa kế, ứng dụng y học cổ truyền, 9 phòng chẩn trị cấp hội, 125 phòng chẩn trị tư nhân, 47 đại lý đông dược, 157 tổ chẩn trị phối hợp với trạm y tế, 103 cơ sở khám chữa bệnh từ thiện, 1 bệnh viện y học cổ truyền quy mô 330 giường được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW.
Chất lượng khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền ở cơ sở ngày càng nâng lên, triển khai đa dạng nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc kết hợp phương pháp không dùng thuốc và phương pháp Đông – Tây y kết hợp. Toàn tỉnh có 179 vườn dược liệu, tổng diện tích vườn thuốc nam hơn 88 ngàn m2. Có 61 hộ trồng, sưu tầm, thu hái dược liệu, đặc biệt duy trì mô hình trồng dược liệu tại trường tiểu học. Mạng lưới Đông y, Đông dược trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn và phát triển với 1.779 hội viên, trong đó có 82 bác sĩ, 19 dược sĩ, 431 lương y, 44 lương dược… Các cấp hội tổ chức khám và chữa bệnh cho hơn 56 triệu lượt người, trong đó khám chữa bệnh dịch vụ hơn 31 triệu lượt, khám chữa miễn phí hơn 24 triệu lượt. Tỷ lệ khám, chữa bệnh y học cổ truyền tăng qua từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2013 – 2022 là 15,6%.
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam Nguyễn Đình Thục phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có trao đổi, nắm thông tin triển khai nhiệm vụ và những khó khăn, vướng mắc ở từng sở ngành, đơn vị, đồng thời tiếp thu những ý kiến kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến của các đồng chí trong đoàn công tác để chỉ đạo, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW sát đúng với tình hình thực tế của tỉnh và kiến nghị Trung ương có những điều chỉnh trong tình hình mới. Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện chỉ thị, tỉnh định kỳ sơ kết, tổng kết, trong chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy các cấp đều có thực hiện kiểm tra, giám sát nội dung này để đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong phát triển nền đông y và tổ chức hội đông y các cấp.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi làm việc.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trong hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW và đặc biệt quan tâm hệ thống tổ chức hội đông y từ tỉnh đến cơ sở. Trên những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre kiến nghị với đoàn công tác báo cáo Ban Bí thư xem xét ban hành chỉ thị mới và có cơ chế chính sách riêng cho lĩnh vực đông y. Đồng thời kiến nghị Trung ương giao cho Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Đông y Việt Nam làm nòng cốt để xác định được mã ngạch, chỉ tiêu đào tạo lĩnh vực Đông y cho các trường cao đẳng, đại học để đào tạo chính quy, chuẩn hóa ngạch bậc cho đội ngũ làm công tác đông y hiện nay.
Tỉnh cũng kiến nghị Hội Đông y báo cáo Ban chỉ đạo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan có cơ chế, chính sách dành riêng cho đội ngũ Đông y. Ngoài ra tỉnh cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế xem xét ban hành danh mục thanh toán bảo hiểm y tế có bao gồm các dược liệu quý của địa phương để bệnh nhân đến thăm khám tại trạm y tế và bệnh viện cấp huyện thì được thanh toán bảo hiểm y tế, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh.
Tin, ảnh: Thanh Đồng