Công trình Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vừa được khánh thành nhằm hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 79 năm Ngày Giải phóng tỉnh Thái Nguyên (20/8/1945 – 20/8/2024), 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949 – 2024) và hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Tại chuyến thăm, các thành viên của đoàn công tác Báo Công Thương đã tìm hiểu về truyền thống cách mạng, quá trình ra đời của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Xem các tư liệu, hiện vật quý và tên tuổi những nhà báo gắn liền với sự ra đời của Trường.
Cách đây hơn 75 năm, năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.
Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này với hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự.
Nguồn: https://www.congluan.vn/doan-cong-tac-bao-cong-thuong-tham-di-tich-quoc-gia-dia-diem-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-post307283.html