Sáng 5.11, giá USD tại các ngân hàng thương mại ghi nhận một tuần đi xuống. Chẳng hạn, ngân hàng Eximbank mua vào còn 24.300 đồng và bán ra 24.690 đồng, giảm 70 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, Vietcombank giảm 80 đồng, đưa giá mua xuống 24.320 đồng và bán ra xuống 24.690 đồng… Giá USD tự do duy trì giá mua vào 24.550 đồng và bán ra 24.620 đồng.
Giá USD thế giới cũng tiếp tục sụt giảm. Chỉ số USD-Index xuống còn 105,06 điểm, thấp hơn 1,6 điểm sau một tuần. Bên cạnh đó, đồng yen Nhật cũng giảm mạnh khi trong tuần có thời điểm 1 USD đổi được 151,74 yen – gần sát mức thấp nhất 33 năm qua là 151,94 yen kể từ tháng 7.1990. Tại Việt Nam, ngân hàng Vietcombank mua yen Nhật với giá 158,43 đồng và bán ra 167,7 đồng, giảm hơn 1 đồng so với đầu tuần.
Đồng yen Nhật cũng suy yếu so với các loại tiền tệ khác, giảm xuống mức thấp nhất so với đồng euro kể từ năm 2008 do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn còn lớn. Lãi suất dài hạn của Mỹ hiện khoảng 4,9% và ở Nhật là 0,95%. Điều này khiến việc bán tháo đồng yen trên thị trường tiếp tục được đẩy nhanh bất chấp quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) tiếp tục nới lỏng kiểm soát đường cong lợi suất.
Dù vậy, các nhà đầu tư đánh giá chính sách của BoJ sẽ khó thay đổi được tình hình kinh tế vẫn đang yếu kém của nước này. Mới đây, vào ngày 2.11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17.000 tỉ yen (113 tỉ USD) nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát tăng, trong đó sẽ bao gồm cắt giảm thuế. Gói kinh tế này sẽ bao gồm các trợ cấp để hạn chế ảnh hưởng do giá nhiên liệu và các hóa đơn tiện ích gia tăng; các biện pháp cắt giảm tạm thời thuế thu nhập và thuế cư trú…
Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm hàng tháng của Mỹ công bố vào ngày 3.11 khá mạnh góp phần đẩy lãi suất của Mỹ và đồng USD tăng trở lại và khiến đồng yen tiếp tục đà giảm…