Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500, vừa được UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo 2 phường Nguyễn Du, Lê Đại Hành tổ chức thông báo công khai lấy ý kiến trong cộng đồng dân cư.
Kết nối toàn bộ không gian cảnh quan thành thể thống nhất
Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng, triển khai Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500?
– Việc triển khai Đồ án tại 2 phường Nguyễn Du, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) nhằm mục tiêu kết nối toàn bộ không gian cảnh quan gồm các khu vực hồ Thiền Quang, cụm di tích 3 chùa Thiền Quang-Quang Hoa-Pháp Hoa, Nhà văn hóa Thanh Niên, Tượng đài Công an Nhân dân và Rạp xiếc Trung ương vào liên kết với không gian Công viên Thống Nhất, để tạo thành một thể thống nhất.
Đặc biệt, triển khai Đồ án chính là một cơ hội để chỉnh trang, nâng cấp toàn bộ cảnh quan khu vực quanh hồ Thiền Quang, lấy tuyến phố Trần Nhân Tông làm điểm nhấn, trở thành nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, cộng đồng và biểu diễn, cũng như hoạt động thương mại, hội chợ vào cuối tuần phục vụ tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông. Trên cơ sở đó, sẽ dẫn dắt những người đến phố đi bộ tham gia vào các hoạt động trong Công viên Thống Nhất.
Với mục tiêu như vậy, quận Hai Bà Trưng đã xây dựng Đề án số 12, xác định hai bước thực hiện quan trọng: Thứ nhất, phát triển tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận; thứ hai là xây dựng Đồ án tổng thể trong đó có nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.
Sau quá trình UBND quận Hai Bà Trưng và 2 phường tổ chức công khai lắng nghe ý kiến cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào Đồ án thiết kế này, ông đánh giá thế nào về các ý kiến?
– Chúng ta biết, việc lập thiết kế đô thị riêng chính là công tác lập quy hoạch, bước ban đầu của quá trình triển khai thực hiện các dự án tiếp theo. Sau khi có nội dung này, với những hạng mục công trình không làm thay đổi nhiều giá trị cũng như hiện trạng khu vực, chúng ta có thể xem xét cho đầu tư sớm. Tuy nhiên, với các hạng mục công trình tạo ra những điểm mới thì cần được nghiên cứu tổng thể, sau đó triển khai từng dự án cụ thể để làm sâu làm rõ các nội dung thực hiện.
Qua quá trình lấy ý kiến cộng đồng, chúng tôi thấy Đồ án nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều phía, từ người dân cho tới các chuyên gia, cơ quan báo chí… Những ý kiến này đều mang tính chất xây dựng vì sự phát triển xã hội chung, cảnh quan chung của khu vực.
Đáng chú ý trong đó, có nhiều góp ý rất hữu ích mà chúng tôi thấy có thể tận dụng cũng như nghiên cứu để áp dụng vào trong nội dung thiết kế của Đồ án. Chẳng hạn, có ý kiến của người dân phường Nguyễn Du đề xuất, với mỗi quảng trường Xuân – Hạ – Thu – Đông như trong Đồ án thiết kế xây dựng, nên chọn 1 loại cây đặc trưng của mỗi mùa để trồng, như quảng trường Mùa Hạ nên trồng cây hoa phượng… Tôi đánh giá đây là ý tưởng rất hay, đáng để quận và các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa vào nội dung Đồ án.
“Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Đồ án là tạo được sự mới lạ, sống động cho không gian này, vì vậy, cùng với 4 quảng trường Xuân – Hạ – Thu – Đông tại 4 góc hồ, trong thiết kế đã đề xuất xây dựng quảng trường trung tâm phía đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất, làm nơi diễn ra các hoạt động chính của tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông cũng như hoạt động chung của quận Hai Bà Trưng. Tại đây sẽ tổ chức những hoạt động vừa mang tính cộng đồng vừa mang tính biểu diễn, nối tiếp vào không gian Công viên Thống Nhất, tạo thành địa điểm hấp dẫn cho người dân đến sinh hoạt động đồng, tham quan.
Đặc biệt, qua xem xét toàn bộ nhu cầu, quận đã bố trí 2 điểm trông giữ xe tại khu vực không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông, đến nay cho thấy đáp ứng tốt các hoạt động dịp cuối tuần. Về nhà vệ sinh công cộng, xung quanh hồ đã có bố trí, nhưng riêng trên phố Quang Trung chưa có, nên đơn vị tư vấn đã đề xuất đặt tại đây một khu vệ sinh, để người tham quan có nơi vệ sinh gần nhất. Đồng thời, toàn bộ khu vực sẽ có cấp nước uống công cộng, phát wifi miễn phí, không gian nghỉ ngơi… cho người dân”- Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang
Sớm đưa Đồ án quy hoạch vào thực tế cuộc sống
Quá trình triển khai thực hiện, quận Hai Bà Trưng và các phường nằm trong phạm vi Đồ án có gặp khó khăn không, từ đó có đề xuất gì với TP và các cơ quan liên quan để triển khai Đồ án đạt hiệu quả nhất?
– Thực ra trong quá trình triển khai, ngay từ ban đầu đã nhận được sự quan tâm của TP Hà Nội cũng như của cộng đồng dân cư, chính vì vậy trong năm 2023 chúng tôi xây dựng nhiệm vụ thiết kế, tháng 9/2023 được UBND TP phê duyệt. Trên cơ sở tận dụng những hiệu quả và giá trị của khu vực, quận Hai Bà Trưng cố gắng đẩy thật nhanh tiến độ sao cho Đồ án sớm được phê duyệt, làm căn cứ để triển khai thực hiện các bước tiếp theo việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ.
Đáng chú ý, quận đã kịp thời phối hợp các đơn vị đang lập những thiết kế đô thị riêng, các dự án riêng, để cập nhật vào trong Đồ án. Chẳng hạn, có thể thấy khu vực Cung Thanh Niên đang được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình dân dụng Hà Nội đầu tư, đã được cập nhật vào trong nội dung Đồ án. Cùng đó, dự án cải tạo nâng cấp cụm 3 chùa Thiền Quang-Quang Hoa-Pháp Hoa đã được phê duyệt, khởi công và đang triển khai thực hiện, cũng đã được cập nhật vào nội dung Đồ án. Về cảnh quan, quận cũng đang xem xét để triển khai đồng bộ, sẽ được cập nhật vào nội dung chính trong Đồ án.
Đến giai đoạn này, quận Hai Bà Trưng nhận được sự đồng thuận cao nên không gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Đồ án. Nhưng, rõ ràng đây là một khu vực có vị trí quan trọng của Thủ đô, nên sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến trong cộng đồng, chúng tôi sẽ phải tiến hành cập nhật, chỉnh sửa cho phù hợp để đáp ứng những yêu cầu của cộng đồng, của người dân cũng như đáp ứng quy định pháp luật, để làm sao sớm hoàn thiện Đồ án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình triển khai thực hiện, quận Hai Bà Trưng rất mong muốn các sở, ngành liên quan của TP tích cực hỗ trợ, phối hợp, để quận sớm hoàn thiện được Đồ án, làm cơ sở để triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng theo đúng nội dung.
Tiếp theo, quận sẽ triển khai những bước công việc gì để Đồ án sớm trở thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân hiện nay?
– Sau tháng 2/2024 vừa lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, trong tháng 3 này, chúng tôi sẽ xin thêm ý kiến từ các chuyên gia, cơ quan quản lý. Tiếp đó, sẽ hoàn thiện, trình Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, xin ý kiến Hội đồng thẩm định TP, sau đó chúng tôi sẽ điều chỉnh, hoàn thiện Đồ án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với việc quy hoạch, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện Đồ án sớm, phấn đấu trong quý III/2024 có thể phê duyệt được các thiết kế Đồ án, sẽ là cơ sở để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những tiểu mục dự án bên trong. Đó là cơ sở để sớm đưa Đồ án quy hoạch vào thực tế cuộc sống, đúng dịp chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân quận Hai Bà Trưng nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.