Baoquocte.vn. Hào hoa, thanh lịch là nét văn hóa ứng xử có tính chuẩn mực của người Hà Nội xưa và nay, trở thành một thương hiệu riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã khái quát về người Hà Nội trong bài thơ nổi tiếng Thành Thăng Long: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Nhà nghiên cứu văn hoá, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng. (Ảnh: Phương Linh) |
Trong Hà Nội thanh lịch – cuốn sách cuối cùng của đời mình, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã viết về người Hà Nội: “Người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ: Thanh lịch”.
Có lẽ, hai chữ “thanh lịch” đã được lịch sử trao tặng riêng cho những con người Thủ đô, để rồi cái chất Hà Nội, chất thanh lịch ấy tựa như tấm hộ chiếu văn hóa, định vị thương hiệu cho Thủ đô.
“Ánh vàng” của mảnh đất Kinh kỳ
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, “thanh” nghĩa là trong sáng, có màu xanh trong, còn “lịch” đó là lịch thiệp, lịch sự, lịch lãm, lịch sử, tức là từng trải và có trí tuệ.
Hai chữ “thanh lịch” đã trở thành biểu tượng cho tính cách, phẩm chất, giá trị tinh thần của con người Thăng Long – Hà Nội xưa và nay, được ví như “ánh vàng” lấp lánh của mảnh đất Kinh kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã lý giải về “nét thanh lịch” là đặc điểm riêng biệt và xuất phát đặc trưng lịch sử, xã hội của chính thủ đô Hà Nội.
Đầu tiên, Hà Nội chính là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, là nơi có bề dày trầm tích văn hóa với những hệ giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, sâu sắc.
Trước khi trở thành kinh đô được đánh dấu bằng việc vua Lý Thái Tổ tuyên chiếu dời đô về Thăng Long, Hà Nội đã là vùng đất trù phú, có vị trí quan trọng và đã từng được lựa chọn làm nơi dựng thành đô trung tâm của cả nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Thăng Long-Hà Nội đạt đến sự hưng thịnh và phát triển thăng hoa ở thời hậu Lê. Không chỉ là một kinh đô, một trung tâm chính trị mà nhà Lê còn phát triển Hà Nội trở thành một đô thị kiểu mẫu. Kinh Kỳ hay còn gọi là Kẻ Chợ thời bấy giờ là một thành thị – thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ở Châu Á với “ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”.
TS. Nguyễn Ánh Hồng khẳng định: “Hà Nội mang trong mình hai trọng trách: một là kinh đô – phương diện hành chính, hai là một đô thị, tức là một Chợ Lớn với chức năng kinh tế”.
Có thể nói, vẻ nề nếp, tinh tươm, khoan thai với những quy chuẩn nặng về khuôn phép, lễ giáo cùng văn hóa cung đình kết hợp cùng sự năng động, sáng tạo, lối tư duy duy lý, đã ăn sâu vào phong thái của con người Tràng An và rồi hòa trộn lại, trở thành một nơi khu trú điển hình của nền văn hóa Thủ đô.
Tất cả đều được gói ghém trong khuôn vàng thước ngọc của hai chữ “thanh lịch”, tạo nên lối ứng xử trong sáng, tế nhị, duyên dáng nhưng lại có trí tuệ, sự hiểu biết, kinh nghiệm, từng trải.
Phẩm cách người Tràng An
Để nói cụ thể về những đặc điểm nổi bật trong chất thanh lịch của người Hà Nội, TS. Nguyễn Ánh Hồng cho rằng “có kể cả ngày cũng không hết”.
Người Hà Nội mang nét hào hoa, lễ nghĩa không chỉ trong cử chỉ, dáng người mà thể hiện cả trong lời ăn tiếng nói. Người Hà Nội một điều “thưa gửi, vâng dạ” rất lễ phép, có đôi chút rào đón, nhất là câu “Vâng ạ!” được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Dù là người nhiều tuổi nói chuyện với người ít tuổi họ vẫn dành cho nhau câu “Vâng ạ!”. Hay khi xin lỗi thì thường “nói vô phép” trước khi có thể làm phiền ai, lời cảm ơn thì thường kèm “quý hóa quá” khi nhận được chút ít quan tâm giúp đỡ,…
Như đã phân tích trước đó, bên cạnh những nét hào hoa, người Hà Nội xưa mang trong mình chất thị dân đậm đặc mà biểu hiện rõ nhất là sự “sành”.
Những thú vui tao nhã của người Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh) |
Đọc những bài viết của các nhà văn như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân sẽ thấy rõ ràng nhất cái sự “sành” trong cách ăn, cách mặc, cách cảm, cách nghĩ của người Hà thành.
Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là quý ở độ tinh. Người dân xứ kinh kỳ nổi tiếng với tính tỉ mẩn, công phu và tao nhã trong chuyện ăn uống.
Người Hà Nội ăn kỹ và rất trọng gia vị, bát phở phải có lá mùi; miếng cá phải kèm thì là; bún riêu nhất định phải óng ánh gạch cua với rau ghém; khi ăn chuối bao giờ cũng phải bẻ quả chuối ra làm đôi, bóc vỏ mỗi nửa quả tạo thành những bông hoa rồi từ tốn đưa lên miệng hoặc chấm vào đĩa cốm non xanh đặt ngay ngắn trên bàn; pha nước chè mời khách, bao giờ cũng có chén nước “tống khẩu” để khách súc miệng…
Cũng giống như các gia đình Việt Nam truyền thống, thành phần bữa ăn của người người Hà Nội chủ yếu gồm cá và cơm với những đặc sản nổi danh đã đi vào ca dao, dân ca Thăng Long – Hà Nội như cá chép hồ Tây, cá rô Đầm Sét,…
Từ cách sống nền nã, xen lẫn cái sự “sành” nên người Hà Nội có thể tĩnh tâm mà lắng nghe tiếng chim hót, có thể bền lòng ngóng đợi từng cánh hoa quỳnh, hoa thủy tiên nở, kiên nhẫn nhấm nháp từng ngụm chè được ủ tới mười lần gạo sen hay thưởng thức từng hạt cốm mỏng tang, thơm nức.
Chính cách sống nền nã, thanh lịch ấy tạo nên những con người tâm thức vừa phải, lối sống chừng mực, ghét lối ngoa ngôn, ghét sự thái quá.
Ngoài thú chơi, thưởng thức nghệ thuật tinh tế, người Hà Nội còn nổi tiếng với chất tài hoa, tài tử và chất trí tuệ, hàn lâm. Những làng nghề, phố nghề rải rác khắp nội, ngoại thành, những Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đài Nghiên Tháp Bút,… là những bằng chứng đẹp đẽ chứng minh cho sự tài hoa khéo léo và tư tưởng trọng dụng hiền tài của người Hà Nội từ xưa đến nay.
Tính cách này cũng đồng thời được biểu hiện qua trình độ dân trí cao, tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức, coi trọng giáo dục của quảng đại người Hà Nội.
Cụm từ “sĩ phu Bắc Hà” không chỉ là một cách gọi, phân biệt giới trí thức Hà Nội với trí thức các vùng khác mà còn là một danh hiệu ẩn chứa niềm tự hào về khí tiết và những phẩm cách riêng của văn nhân Hà Nội.
Cũng vì trọng tri thức, trọng khí tiết nên một tính cách nổi trội hay được nhắc đến khi nói về người Hà Nội là chất “kẻ sĩ”. Ở người Hà Nội dù ít học hay bậc thức giả đều dễ nhận ra một đôi nét của nhà nho – quân tử. Hơi ngang tàng, hơi ngông, bất cần đời, không vồ vập, tự trọng cao, không luồn cúi, hạ mình.
Định vị thương hiệu riêng mình
Hiện nay, các thành phố đau đáu đi tìm thứ gọi là “thương hiệu địa phương” – tìm những nét độc đáo, bản sắc, những đặc điểm nổi bật gắn liền với lịch sử nhằm định vị bản thân trên bản đồ quốc tế.
Hà Nội cũng vậy, để định vị được thương hiệu riêng mình, cần phải định vị đâu là văn hóa đặc trưng nhất của Hà Nội, là tấm hộ chiếu của Thủ đô.
Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, khi được hỏi hồn cốt Hà Nội nằm ở đâu, ông trả lời: “Nó nằm ở con người”. Ngỏ ý bàn lại điều này với TS. Nguyễn Ánh Hồng, cô cũng có ý kiến tương tự.
Quả thật, chất thanh lịch của người Hà Nội chính là tấm căn cước văn hóa mạnh mẽ và rõ nét nhất để tạo nên một thương hiệu riêng của Thủ đô.
Trước hết để tạo nên thương hiệu thanh lịch của Hà Nội, TS. Nguyễn Ánh Hồng cho rằng điều cốt lõi nhất của mọi sự phát triển là phải giữ gìn, phát huy được vẻ thanh lịch của người Hà Nội.
Ngày 19/2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đây được xem như cú đột phá nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần Hà Nội, văn hóa Hà Nội, đặc biệt là trong giới trẻ của Thủ đô.
Ngoài tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc từ ban lãnh đạo, các chuyên gia, trong đó có TS Ánh Hồng đều cho rằng văn minh, thanh lịch cần xuất phát từ những cá nhân, bởi đó không phải là cái gì đó quá cao siêu không ai thực hiện được, ngược lại nó rất đời thường, đó chính là thói đất nết người, cách ăn ở ứng xử thường ngày.
Để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục được duy trì, biến thành hành động thường nhật đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng, con đường đi từ bản sắc, phẩm chất thanh lịch nâng lên thành một “thương hiệu địa phương” đặc trưng để ai ai cũng biết là một hành trình rất dài.
Theo cô, với định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, việc định vị thương hiệu Thủ đô thanh lịch cũng cần đi theo phương hướng như vậy bằng cách sáng tạo và đẩy mạnh ra các sản phẩm, dịch vụ trong đó làm nổi bật lên chất thanh lịch của Hà Nội.
Sự thanh lịch của người Hà Nội toát lên từ trang phục đến bước đi. (Nguồn: Nhịp sống Hà Nội) |
Đó có thể là những tour du lịch trải nghiệm nếp sống người Hà Nội, tour du lịch kết nối những địa điểm các làng nghề thể hiện sự tài hoa, khéo léo hay các di sản biểu tượng cho tinh thần hiếu học và khí tiết văn nhân của con người Hà Nội.
Bên cạnh đó, có thể là những sản phẩm như sổ tay, cẩm nang văn hóa Hà Nội chỉ dẫn về văn hóa ẩm thực, văn hóa thưởng thức, về cái “sành” của người Tràng An, trong đó có kèm thêm những địa điểm hiện vẫn còn lưu giữ các thú vui tao nhã “vang bóng một thời” của Hà Nội.
Hiện nay, một số tour du lịch trải nghiệm như “Chuyện phố Hàng” tái hiện sinh động nếp sống xưa của người Hà Nội kết hợp với nghệ thuật biểu diễn đã thu hút rất nhiều sự đón nhận của công chúng, nhất là các bạn trẻ.
Tất cả những sản phẩm, dịch vụ ấy đều cần có trải nghiệm thực tế, bởi con người Hà Nội mới mang hồn cốt Hà Nội rõ nét nhất, mới là sự kết nối hấp dẫn và đáng nhớ nhất.
Nguồn: https://baoquocte.vn/dinh-vi-thuong-hieu-thu-do-qua-pham-chat-thanh-lich-cua-nguoi-ha-noi-294500.html