(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của Quảng Ngãi như muối hột, mạch nha, bánh tráng gạo… được đóng gói đẹp mắt, đảm bảo chất lượng. Điều này đã góp phần nâng tầm giá trị, giúp các sản phẩm mộc mạc, dân dã “made in Quảng Ngãi” vươn xa.
Bánh tráng, mạch nha… gắn mã QR
Bắt nhịp cùng sự phát triển của công nghệ, những hũ mạch nha của cơ sở sản xuất mạch nha Thy Thảo, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), được chủ cơ sở đăng ký mã vạch tại Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và in thêm mã QR để người tiêu dùng có thể dùng điện thoại truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cách làm này giúp chủ cơ sở sản xuất nâng tầm cho sản phẩm mạch nha truyền thống của quê hương và tạo thêm sự tin cậy cho khách hàng.
Nhiều chủ cơ sở mạch nha tại huyện Mộ Đức như Kim Hồng, Thy Thảo… đều đổi mới, đựng mạch nha trong hũ thủy tinh thay cho lon kim loại như trước đây. Ảnh: LAM GIANG |
“Ngày trước, tôi làm mạch nha rồi đựng trong các lon kim loại, sau đó, dán mảnh giấy in chữ Thy Thảo lên sản phẩm, rồi bán ra thị trường. Nhưng rồi dần dà về sau, tôi nghĩ rằng, bên cạnh giữ vững chất lượng, hương vị mạch nha truyền thống, mình cần phải có những thay đổi nhất định về hình thức để sản phẩm bắt mắt hơn, chuyên nghiệp hơn. Vậy là, tôi cùng các con đổi mới, đựng mạch nha trong hũ thủy tinh. Chúng tôi gắn mã QR, đăng ký mã vạch cho sản phẩm rồi in lên hũ đựng mạch nha. Chi phí để đổi mới khá lớn, bởi mỗi hũ thủy tinh có giá 6 nghìn đồng. Đó là chưa kể chi phí duy trì đăng ký mã vạch sản phẩm hằng năm. Nhưng, để sản phẩm trở nên cao cấp, bắt mắt hơn, chúng tôi chấp nhận bớt đi một phần lợi nhuận để đổi mới”, bà Trương Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất mạch nha Thy Thảo vui mừng cho biết.
Bánh tráng gạo truyền thống của Quảng Ngãi nay đã có thương hiệu, được đóng gói bao bì, gắn mã QR. Ảnh: LAM GIANG |
Bán ra thị trường 2 dòng sản phẩm gồm bánh tráng nhúng nước và bánh tráng gói ram, với giá bình dân từ 30 – 40 nghìn đồng/kg, song anh Lê Thái Cường, ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức), đã mày mò tìm hiểu cách đóng gói, đăng ký mã vạch, gắn mã QR cho sản phẩm bánh tráng của mình. Trên chiếc hộp giấy đựng bánh tráng nhúng nước được thiết kế khá tao nhã là dòng chữ “Đặc sản làng nghề Thi Phổ”, cùng tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ sở và mã QR để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm qua điện thoại.
“Tôi kế thừa nghề làm bánh tráng gạo từ gia đình. Đời bà nội tôi rồi đến cha tôi, dù mọi người làm ra những chiếc bánh tráng gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, nhưng đó vẫn là những chiếc bánh tráng không tên. Đến đời mình, tôi nghĩ phải vận dụng sức trẻ để nâng tầm cho bánh tráng của nhà mình, của quê hương mình. Vậy là tôi chấp nhận bỏ ra một phần kinh phí, thiết kế các bì giấy để đựng bánh tráng rồi đóng gói theo quy cách cứ mỗi gói là nửa ký bánh tráng để người tiêu dùng dễ sử dụng. Trên bì giấy, tôi in nhãn hiệu, mã vạch và gắn mã QR. Từ khi đóng gói, gắn mã QR cho bánh tráng, sản phẩm bánh tráng của gia đình tôi bán chạy hơn, được khách hàng ưu tiên chọn mua làm quà tặng”, anh Lê Thái Cường bày tỏ.
Giải pháp để định vị thương hiệu
Tám năm qua, cô gái trẻ Phạm Hồng Thắm, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), trở thành đối tác tin cậy của diêm dân Sa Huỳnh. Từ những hạt muối Sa Huỳnh mặn mòi vị biển, Thắm thu mua, chế biến thành nhiều sản phẩm như muối hầm, muối tre, muối ớt, muối tiêu và bán đi cả nước. Trên mỗi bao bì, hộp đựng muối với thương hiệu Sahu, hình vẽ người phụ nữ đội nón lá, đang gánh muối giữa đồng muối tạo được thiện cảm, ấn tượng với nhiều khách hàng.
Muối Sahu ra mắt thị trường với hình ảnh dân dã là người phụ nữ đội nón lá, gánh muối. Ảnh: LAM GIANG |
“Trải qua 8 năm kinh nghiệm, tôi nhận thấy bên cạnh chú trọng chất lượng sản phẩm, thì cách đóng gói, thiết kế nhãn mác… là điều rất quan trọng, giúp định vị thương hiệu trong lòng khách hàng. Chính vì vậy, kể từ khi trình làng thương hiệu muối Sahu đến nay, tôi đã không ngừng cải tiến cách đóng gói sản phẩm. Cùng với đó, tôi chọn hình vẽ về người phụ nữ đội nón lá, gánh muối đi giữa đồng muối để in trên bao bì, hộp đựng sản phẩm bởi hình ảnh này rất dân dã, truyền thống, phù hợp với thương hiệu muối Sahu và tạo xúc cảm đối với người tiêu dùng”, chị Thắm chia sẻ.
Kể từ khi đổi mới cách đóng gói sản phẩm, chủ cơ sở sản xuất mạch nha Thy Thảo Trương Thị Thảo vui mừng cho biết, mạch nha đựng trong hũ thủy tinh bảo quản được lâu hơn so với lon kim loại và bán rất chạy. “Đổi mới và hiện đại hóa cách đóng gói sản phẩm, giúp thương hiệu mạch nha hơn 25 năm tuổi của gia đình tôi trở nên cao cấp hơn, ấn tượng hơn đối với khách hàng. Sản phẩm mạch nha trong hũ thủy tinh của chúng tôi được các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội phân phối”, bà Thảo cho hay.
Áp dụng tư duy mới, cách làm mới để đầu tư nhãn mác, bao bì cho sản phẩm truyền thống, những chủ cơ sở sản xuất tâm huyết, nhạy bén này đã góp phần nâng tầm cho những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của vùng đất núi Ấn – sông Trà. Qua đó, giúp sản phẩm truyền thống Quảng Ngãi ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
LAM GIANG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: