DNVN – Xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngành nông nghiệp thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần đánh giá, định hướng để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức hội thảo “Tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”.
80% nông sản xuất khẩu chưa có thương hiệu
Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại hội thảo cho thấy, phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định xã hội.
Thương mại nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu 13 năm (2008-2020) đạt trên 382 tỷ USD, tăng bình quân 8,01%/năm. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt hơn 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD) chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng thương hiệu Việt thời gian qua. Đó là vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt được đề cập nhiều nhưng vẫn còn chung chung, sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình chưa có chiến lược tổng thể, đặc thù cho sản phẩm; chưa có sự kết nối điều phối giữa các bên liên quan (các bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương); có ít nông sản chủ lực quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; số lượng DN được quyền sử dụng nhãn hiệu đối với các sản phẩm quốc gia còn hạn chế; quản trị và phát triển thương hiệu nông sản còn yếu …
Theo ông Thắng, để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản cần phải có sản phẩm tốt; doanh nghiệp tốt tham gia với quy mô lớn; hệ sinh thái tốt cho phát triển thương hiệu nông sản và gắn kết thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.
Xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt
Xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt không dễ dàng, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ và quyết tâm cao.
Ý kiến tại hội thảo, ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của gạo ngon nhất thế giới ST25 cho biết, năm 2019, ngay sau khi đoạt giải gạo ngon nhất thế giới thì liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, 6 tháng sau khi đạt giải, ở Mỹ có một công ty đăng ký độc quyền từ khóa ST25. Được sự hướng dẫn của Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), ông lao vào cuộc chiến đấu giành lại thương hiệu phải nói là rất khó khăn, mãi đến ngày 22/9/2022 thì mới đạt được kết quả. Đến nay, gạo ST25 đã được bảo hộ ở Anh, EU, Trung Quốc, Úc, Mỹ…
Ông Cua cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia phải có trọng tâm, trọng điểm. Thương hiệu gạo quốc gia đó phải là đại diện tiêu biểu cho một sản phẩm tinh túy nhất của quốc gia.
Liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành rau quả năm qua xuất khẩu được khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 70% so với năm 2022. Trong đó, sầu riêng xuất khẩu gần 2,3 tỷ USD, chủ yếu qua thị trường Trung Quốc.
“Cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia đối với mặt hàng trọng điểm này. Phải có biện pháp kiểm soát chặt việc thu hái sầu riêng non không đạt chất lượng; đẩy mạnh việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn mặt hàng sầu riêng xuất khẩu; chỉ cấp phép xuất khẩu cho loại sầu riêng có uy tín, có thể tạo ra thương hiệu quốc gia… Hiện nay, có tình trạng mạnh ai nấy xuất, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự uy tín, thương hiệu quốc gia”, ông Nguyên đề nghị.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, về phát triển nông nghiệp và xây dựng thương hiệu nông sản chúng ta có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần đánh giá đúng thực trạng và định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Bộ sẽ tiến hành xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản. Nông sản cần có quy chuẩn, được truy xuất nguồn gốc.
Việc xây dựng nghị định xoay quanh 3 vấn đề. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đó là xây dựng chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản theo chuỗi giá trị hàng hóa; xây dựng cơ chế quản lý của các bộ phận, địa phương, các ngành.
Các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp… cần chọn ra những nông sản chủ lực, là thế mạnh, chất lượng để tập trung xây dựng thương hiệu.
Hòa Minh