Trong nỗ lực “tự chủ chiến lược”, Ấn Độ – đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông báo kế hoạch từ bỏ hệ thống định vị vệ tinh do Mỹ sở hữu, thay bằng NavIC, hệ thống do New Delhi tự phát triển.
Trước đó, nước này đã phóng thành công vệ tinh thế hệ thứ hai đầu tiên trong loạt 5 chiếc lên quỹ đạo. Ấn Độ đặt mục tiêu phóng một vệ tinh mỗi sáu tháng để hoàn thành độ phủ sóng thu hẹp khoảng cách công nghệ và người dùng di động tại quốc gia này.
Theo tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, vệ tinh số hiệu NVS-01 với dải tần L1, L5 và S dự kiến được sử dụng cho hệ thống định vị vệ tinh NavIC mà nước này phát triển, có khả năng tương thích với thiết bị cầm tay và có thể được cung cấp qua ứng dụng di động.
Trước đây, các tần số L5 và S không dành cho mục đích dân sự. Do đó, các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Apple, Samsung và Xiaomi đã phải bổ sung phần cứng trong chipset để sản phẩm của họ tương thích với NavIC, từ đó khiến giá sản phẩm bị đội lên, cản trở việc áp dụng rộng rãi công nghệ này.
“Để có thể độc lập chiến lược, cho cả mục đích dân sự và quân sự, bắt buộc phải có hệ thống định vị bản địa”, một quan chức tham gia hoạch định chiến lược dài hạn của chính phủ Ấn Độ tiết lộ. “Chúng tôi muốn tự chủ trong các công nghệ quan trọng”.
Đáng chú ý, không như GPS có độ chính xác từ 20-30 mét, hệ thống của Ấn Độ có thể định vị trong phạm vi 5 mét. Có được điều này là do NavIC bao gồm 4 vệ tinh địa tĩnh nằm ở quỹ đạo cao hơn, giúp tín hiệu ít bị cản trở, hoạt động trên dải tần L và S có độ chính xác cao hơn.
Đến nay, một số dòng điện thoại thông minh, bao gồm cả iPhone, đã hỗ trợ hệ thống định vị GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu, QZSS của Nhật Bản và BeiDou của Trung Quốc.
Nền tảng của hệ thống quân sự
GPS được Mỹ bắt đầu phát triển như một hệ thống dành cho quân sự. Nó đạt công suất đầy đủ vào năm 1993 với 24 vệ tinh phủ sóng toàn cầu. Đến nay, GPS có 31 vệ tinh quay quanh Trái Đất mỗi 12 giờ trên quỹ đạo 11.000 dặm.
Các vệ tinh này được đặt cách nhau sao cho mọi điểm trên Trái Đất đều có ít nhất bốn vệ tinh quan sát được. Mỗi vệ tinh được trang bị đồng hồ nguyên tử, có độ chính xác một phần tỷ giây, liên tục phát tín hiệu kỹ thuật số về vị trí và thời gian của nó trên quỹ đạo.
Hệ thống định vị của Mỹ đã cải thiện đáng kể năng lực chỉ huy tác chiến trên tất cả cấp độ chiến tranh, tạo ra cuộc cách mạng trong hoạt động theo dõi phương tiện chuyển động.
Hầu hết mọi nền tảng vũ khí của Mỹ yêu cầu dữ liệu điều hướng, thời gian hoặc vị trí đều phụ thuộc vào GPS. Điều này bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk, đạn dẫn đường, bom chính xác hay các phương tiện bay không người lái khác.
Do đó, việc GPS mất kết nối hoặc bị gây nhiễu trong vài phút có thể trở thành thảm hoạ trên chiến trường, như đã và đang xảy ra trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đối phương có thể làm tê liệt hệ thống phòng thủ và cơ sở hạ tầng quan trọng bằng cách nhắm mục tiêu vào các vệ tinh thông qua tác chiến điện tử.
Một nghiên cứu của cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) chỉ ra rằng, “các đối thủ sẽ tìm cách tấn công năng lực quân sự thông qua chiến tranh điện tử, tâm lý chiến, cũng như sử dụng vũ khí năng lượng định hướng hoặc xung điện từ. Mục đích chính là chặn dòng chảy thông tin, vô hiệu hoá hoạt động của các hệ thống vũ khí”.
(Theo EurAsian Times)