Huế – kinh đô của ẩm thực
Huế từng có mấy thế kỷ là trung tâm xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, đến thế kỷ XIX là đất kinh kỳ phồn hoa đô hội, với non một thế kỷ rưỡi làm kinh đô nước Việt, nơi quy tụ một vương triều với biết bao quan lại, nho sĩ. Ở đó, ngoài chốn vương phủ còn có các tầng lớp quý tộc và thượng lưu, trí thức đều tụ họp về đây. Điều đó đã đòi hỏi người Huế không chỉ giỏi chế biến các món ăn cực kỳ tinh tế chỉ dùng trong chốn vương phủ.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ, ẩm thực mỗi vùng đều có nét đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc riêng để người thưởng thức nhận biết. Xứ Huế, hay còn gọi là xứ Thơ bởi thành phố này luôn mang một nét đẹp thơ mộng. Nơi đây cũng có nền ẩm thực vô cùng phong phú và tinh tế. Món ngon xứ Huế có sự kết hợp ẩm thực Champa với món ngon của người Việt, món ngon dân gian cả nước hòa quyện với món ăn cung đình.
Món ăn Huế rất phong phú, có thể giản dị, mang hương vị đồng ruộng, đầm phá, núi sông, song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế với cách bài trí món ăn mang đậm tính chất cung đình. Chính trong sự đa dạng của nguồn nguyên vật liệu, từ dân dã cho tới sơn hào hải vị và điểm đặc biệt nhất chính là bàn tay, tâm huyết và tài năng của các thế hệ, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình đã nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế lên đẳng cấp cao.
Ẩm thực cung đình Huế là những món ăn ngự thiện được chế biến để dâng lên vua trước đây. Tất cả những món ăn này xếp vào hàng cao lương mỹ vị và được làm rất cầu kỳ, công phu, vừa đẹp mắt, ngon miệng lại vừa bổ dưỡng. Chính vì vậy, ẩm thực cung đình Huế không chỉ có bàn tay của các đầu bếp mà còn có sự tham gia của Thái y viện để đảm bảo nguồn nguyên liệu kết hợp hoàn hảo nhất. Ngoài những món ăn dân dã, quen thuộc thì các món ăn cung đình ở đây đã giúp thực khách như được sống lại những khoảnh khắc lịch sử với không gian xưa.
Món ngon Huế không chỉ ăn bằng miệng, mà trước hết phải thích nhìn bằng mắt, mũi ngửi thấy thơm, cảm giác thấy thèm, tai nghe những âm thanh gây cuốn hút, tò mò, tức là ăn bằng ngũ quan. Ví như như các món gỏi vả hình rồng, nem công – chả phụng… đều được người nấu tỉa rau củ thành những tác phẩm nghệ thuật. Sự hài hòa về màu sắc, hương vị, hài hòa về âm – dương, nóng – lạnh, hài hòa trong bố cục chén, đũa, bát, dĩa… hài hòa như tự nhiên, thiên nhiên, chính là văn hóa ẩm thực Huế.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực” với nhiều hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa ẩm thực đặc sắc, thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ví như, “Tuần lễ Ẩm thực truyền thống Huế 2024” vừa diễn ra với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương” ở khu vực công viên Thương Bạc. Tại đây, người yêu ẩm thực được trải nghiệm “Không gian ẩm thực truyền thống Huế” với ẩm thực dân gian và cung đình; Khám phá tinh hoa của món ăn ba miền.
Trong khuôn khổ chương trình “Tuần văn hóa du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”, tháng 11/2013, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ công bố và trao bằng xác lập đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục châu Á và kỷ lục Việt Nam cho 11 đặc sản Huế: bún bò Huế, chè hạt sen, tôm chua, ruốc, mè xửng, tré, thanh trà, bánh khoái, bánh lọc nhân tôm, bánh bèo và cơm hến.
Tháng 12/2023, trang web Taste Atlas chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã công bố danh sách “Những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023” nhằm vinh danh nền ẩm thực địa phương của các điểm đến. Thành phố Huế vinh dự được đánh giá xếp hạng thứ 28 trong các thành phố có các món ăn ngon trên thế giới. Các món ăn nổi tiếng nhất được nhắc đến đầu tiên gồm: bún bò, bánh bột lọc, cơm hến, nem lụi, chè, bánh nậm, bánh phu thê, tôm chua…
Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực
Tài nguyên ẩm thực Huế được khẳng định là một trong những lợi thế cạnh tranh bậc nhất về du lịch của vùng đất Cố đô. Với ưu thế đó, Thừa Thiên Huế đang xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực” cho mình để trở thành một thủ phủ, kinh đô ẩm thực, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới. Huế đã đăng ký sở hữu trí tuệ một số món ăn đặc sản Huế. Tỉnh cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, thu hút khách.
Bún bò Huế là món ăn nức tiếng với du khách trong và ngoài nước với hương vị đặc trưng, hấp dẫn. (Ảnh: khamphahue) |
Ngày 25/7/2024, ông Võ Lê Nhật – Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, TP Huế vừa có kế hoạch về việc xây dựng hồ sơ “Huế – Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Địa phương này chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ. “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” ra đời từ năm 2004, với 7 lĩnh vực: thiết kế, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc, điện ảnh, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đến nay, đã có hơn 350 thành phố của hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia. Việt Nam đã có 3 thành phố được công nhận là “Thành phố sáng tạo UNESCO”, gồm: Hà Nội với lĩnh vực thiết kế, Hội An (tỉnh Quảng Nam) với lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) với lĩnh vực âm nhạc.
TP Huế là địa phương được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng và thế mạnh tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực ẩm thực. Và địa phương này cũng quyết định chọn ẩm thực để xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Theo kế hoạch của UBND TP Huế, sẽ triển khai các nội dung cụ thể để xây dựng hồ sơ, như: thành lập Tổ công tác xây dựng hồ sơ tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO” trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực của TP Huế. Cùng với đó là tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế và hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, có 2 cuộc tọa đàm và 1 hội thảo chuyên đề, dự kiến tổ chức trong tháng 8 và tháng 9/2024; và tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Huế – Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực” vào cuối năm 2024.
TP Huế cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình xây dựng hồ sơ với các hoạt động như: tổ chức cuộc thi thiết kế logo hoặc mời đơn vị thiết kế bộ nhận diện “Huế – Thành phố sáng tạo UNESCO”; lập website đăng tải các nội dung liên quan đến việc xây dựng hồ sơ “Huế – Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực”; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, dự kiến tháng 6/2025, TP Huế sẽ nộp hồ sơ đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sau khi nộp hồ sơ, TP Huế cũng sẽ triển khai các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, sách, phim tư liệu giới thiệu về tiềm năng của TP Huế trong lĩnh vực ẩm thực. Tổ chức các không gian ẩm thực, các hoạt động trình diễn, chế biến món ăn dân gian và cung đình để góp phần quảng bá tiềm năng của Huế trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực…
Nguồn: https://baophapluat.vn/dinh-vi-gia-tri-am-thuc-hue-tren-the-gioi-post520602.html