Kinhtedothi-Bên cạnh những phương án kịp thời trong thời điểm bão lũ, ngành du lịch tỉnh Lào Cai cũng đã có những định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đảm bảo kết nối giao thông đối với các điểm đến du lịch
Ông Lại Vũ Hiệp – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, vào thời điểm mưa lũ gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng, các ban ngành đã phải tính luôn câu chuyện khắc phục, phát triển du lịch sau lũ.
Theo đó, Sở Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới như:
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng khắc phục các tuyến đường sạt lở, để giao thông thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến các địa bàn trọng điểm du lịch như: Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý, Bát Xát (hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá, khắc phục thiệt hại cây trồng vật nuôi, các mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái.
Công an tỉnh ưu tiên đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch.
Sở Y tế ưu tiên đảm bảo công tác y tế, an toàn thực phẩm tại các địa phương trọng điểm du lịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với Sở Du lịch rà soát các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn (cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi, mua sắm… phục vụ khách du lịch); công bố các điểm đến có thể tiếp cận dễ dàng và đảm bảo an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh quảng bá, xúc tiến du lịch; cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục.
Tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp đoàn kết, chung tay dọn dẹp vệ sinh đường phố, làm mới cảnh quan bản làng, khu, điểm du lịch, di tích, cơ sở lưu trú, trên địa bàn sau bão lũ để sẵn sàng mọi điều kiện đón khách du lịch trở lại.
Trong dài hạn, nghiên cứu xây dựng các làng, bản bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 như: Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng… thành các điểm đến du lịch kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
Đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành du lịch
Căn cứ Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch, Sở Du lịch Lào Cai đã có một số đề nghị như:
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời gian vay, nợ; miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai xem xét miễn, giảm mức lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại, bao gồm cả các cơ sở homestay đang được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND.
Cục Thuế tỉnh xem xét giảm tiền thuê đất, thuế đất, tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế.
Bảo hiểm xã hội tỉnh nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng hướng dẫn các đơn vị kinh doanh lữ hành của tỉnh giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025.
Tổ chức các hoạt động, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Lào Cai
Ông Lại Vũ Hiệp cho biết, trong thời gian tới, Sở Du lịch Lào Cai sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện chương trình xúc tiến, liên kết, hợp tác khảo sát tại Vân Nam (Trung Quốc) có sự tham gia của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Phối hợp với các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, địa phương thuộc tỉnh Hà Giang, Lai Châu thực hiện Chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai: kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie – Bát Xát – Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần (Hà Giang); dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2024.
Phối hợp với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tiếp tục chương trình hợp tác với ngành đường sắt (in tập gấp, poster, cung cấp ấn phẩm) quảng bá du lịch Lào Cai, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.
Tổ chức Lễ hội Thổ cẩm Lào Cai tại Sa Pa với quy mô, nội dung phù hợp để thu hút khách du lịch đến Lào Cai sau ảnh hưởng của bão lũ. Tham mưu điều chỉnh các hoạt động du lịch: Lễ hội “Thổ cẩm Tây Bắc – Sắc màu thổ cẩm Lào Cai”, điều chỉnh từ Bắc Hà về tổ chức tại Sa Pa.
Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng các tour du lịch trải nghiệm và kết hợp tài trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Xây dựng các chương trình du lịch mới như: du lịch gắn với các hoạt động thiện nguyện; du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ với chủ đề “Nơi mảnh đất hồi sinh”…; đẩy mạnh phát triển du lịch Mice với quy mô lớn.
Phối hợp tổ chức đón các đoàn farmtrip đến khảo sát xây dựng tour du lịch kết nối Lào Cai với các tỉnh.
Xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững
Ông Lại Vũ Hiệp chia sẻ, mới đây, Sở cũng tổ chức chương trình lớn nhất từ trước đến nay, đón tiếp hơn 80 công ty lữ hành của Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá lên đây trải nghiệm hình thức du lịch farmtrip. Qua đó thực hiện giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc của Lào Cai như cảnh quan, món ăn, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch.
Các công ty được trải nghiệm dịch vụ phản hồi rất tốt và cam kết đưa khách lên. Ngay sau đó, họ đã bắt đầu đưa những đoàn khách tại địa phương lên. Sở cũng đang xúc tiến phát triển các sản phẩm kết nối giữa biển với núi, qua đó đưa du khách từ Lào Cai xuống các tỉnh miền biển.
Trong thời gian tới, căn cứ việc Đề án về phát triển du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai sẽ cùng các địa phương tổ chức lại các sản phẩm du lịch, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng – một mô hình phát triển du lịch bền vững.
Với mô hình này, người dân được tham gia vào các hoạt động du lịch, từ đó có thu nhập, có được trải nghiệm thì họ sẽ có động lực để cùng với các ngành chức năng giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc.
Một điểm đặc biệt tại Lào Cai đó là tại đây có tiềm năng phát triển những sản phẩm văn hoá đặc sắc với số lượng lên tới 25 nhóm ngành dân tộc đa dạng.
Hiện Sở Du lịch đang đưa văn hoá của đồng bào các dân tộc để xây dựng thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, coi đó là sự khác biệt giữa Lào Cai với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
“Ví dụ như văn hoá của người Dao, người Tày, người Xa Phó, người Giáy… còn giữ được những nét truyền thống như trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, phong cách nếp sống. Sở sẽ nghiên cứu khôi phục lại, đẩy các nét văn hoá này lên một tầm cao mới, biến thành những sản phẩm du lịch và cho trình diễn ngay tại các điểm du lịch cộng đồng tại các bản làng đó. Du khách, đặc biệt du khách nước ngoài rất thích những sản phẩm du lịch này. Ngoài ra, các cơ quan ban, ngành cũng có chính sách hỗ trợ cho các tổ đội văn nghệ, cho người dân duy trì những hoạt động đó…” – ông Hiệp cho biết thêm.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển du lịch, Sở Du lịch sẽ cố gắng giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, tránh để tình trạng đô thị hoá diễn ra quá nhanh như tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-dinh-ro-huong-phat-trien-du-lich-trong-thoi-gian-toi.html