Ngày 26/12, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp định hướng phát triển Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, thành viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Sở GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học.
Phát triển nhưng không làm xáo trộn chương trình
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2024-2025 là năm thực hiện đầy đủ chu trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình giáo dục phổ thông là một bộ phận cấu thành trong các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, là nội dung hết sức quan trọng, bởi từ chương trình này các công tác như tổ chức, thẩm định sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, điều kiện về cơ sở vật chất… đều được triển khai.
Quang cảnh phiên họp
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ, phát triển chương trình là khâu thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổ, bổ sung, hoàn thiện chương trình. Vì vậy, ở năm học này, khi chương trình được thực hiện trọn vẹn ở các cấp học cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện.
“Do đó, Bộ GDĐT mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện đánh giá, nội hàm của phát triển chương trình, những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, quan điểm về định hướng, thời điểm phát triển chương trình. Việc định hướng, phát triển chương trình phải được thực hiện thống nhất trên cơ sở không quá làm xáo trộn, không gây khó khăn cho người dạy, người học, không gây khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp, tài liệu và sách giáo khoa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bám sát các mục tiêu, yêu cầu và cụ thể hóa các nội dung đặt ra trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, có tính kế thừa và phát triển, tiếp thu các thành tựu khoa học và kinh nghiệm trên thế giới, có nhiều đổi mới, tiến bộ so với các Chương trình giáo dục phổ thông trước đây.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, khắc phục sự trùng lặp giữa các môn; giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, đồng thời áp dụng một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải, tích hợp sâu ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại phiên họp
Tính kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học được bảo đảm. Nội dung môn học cơ bản được tinh giản, giảm tính hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng thực tế và gắn với thực tiễn đời sống.
Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm có đủ sách giáo khoa, kịp thời phục triển khai năm học; huy động được nhiều tổ chức và đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ, uy tín, kinh nghiệm, năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa; nội dung sách giáo khoa cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thể hiện ở từng nội dung giáo dục, được chuẩn bị từ trước khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những mô hình giáo dục và phương pháp giáo dục mới đã được áp dụng vào thực tiễn.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GDĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, bảo đảm công khai, dân chủ; lựa chọn đội ngũ giáo viên có chuyên môn sâu, trách nhiệm, tâm huyết lựa chọn sách giáo khoa.
Đối với tài liệu giáo dục địa phương các lớp cơ bản đã hoàn thành việc phê duyệt đối với 63/63 tỉnh/thành phố theo quy định. Sau khi được Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, các Sở GDĐT đã hướng dẫn tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương đối với các lớp theo đúng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn trao đổi tại phiên họp
Việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.
Việc đánh giá học sinh chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Hình thức đánh giá đa dạng hơn, kết hợp giữa đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết, có sự tham gia đánh giá từ nhiều bên.
Thực hiện căn chỉnh dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn
Từ góc độ của những người thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn cho biết: Đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục triển khai và thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” một cách thực sự, đúng ý nghĩa. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế quốc tế. Việc triển khai chủ trương này đã tác động nhiều đến các hoạt động trong nhà trường, cách dạy, học của giáo viên và học sinh. Giáo viên có thể tham khảo lựa chọn nhiều cách dạy, cách tiếp cận, có nhiều thông tin hơn, tăng cường trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa và lựa chọn văn bản ngữ liệu phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường…
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi tại phiên họp
Đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến thời điểm hiện tại đã được triển khai, thực hiện theo đúng lộ trình, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, chương trình mới đã giúp các em học sinh tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cũng lưu ý đến công tác đánh giá, giám sát, tăng cường công tác kiểm định liên tục, phù hợp, cụ thể, toàn diện về mục tiêu, phương pháp, đối tượng, nội dung trong quá trình thực hiện.
Đưa ra những ví dụ điển hình về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, triển khai các chương trình giáo dục phổ thông tại các quốc gia trên thế giới, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước tiến, phù hợp với xu thế của thời đại và trên thế giới”.
Xác định giáo viên là yếu tố quan trọng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình Đinh Văn Khâm đề nghị, trong định hướng phát triển chương trình thời gian tới cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, liên tục chuẩn bị nguồn nhân lực, giáo viên thực hiện chương trình đặc biệt là những môn học mới, môn học tích hợp đồng thời cung cấp đủ kinh phí bố trí cho công tác này.
Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, đây là công việc khó khăn, đầy thử thách đồng thời cho biết, trong tất cả các văn bản, kết luận của đoàn giám sát của Quốc hội, đến thời điểm này đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, bài bản và được đánh giá cao.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp
Đối với việc định hướng phát triển Chương trình giao dục phổ thông 2018, Thứ trưởng cho rằng, những đánh giá, bổ sung, căn chỉnh cần phải được thực hiện kỹ lưỡng, toàn diện ở những điều kiện thực hiện chương trình. Việc căn chỉnh, bổ sung, thay đổi cần phải có những căn cứ ở cả mặt khoa học và thực tiễn.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, Thứ trưởng lưu ý đến công tác truyền thông. Trong đó, truyền thông chú trọng đến các nội dung, điểm thuận lợi, hiệu quả của chương trình để ngành giáo dục, xã hội hiểu và thực hiện đúng, đủ chương trình.
Nhấn mạnh yếu tố mấu chốt là con người trong quá trình triển khai, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình. Cùng với đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10159