Từ thực tế…
Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản – cấp Tiểu học, THCS (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh được trang bị tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp – cấp THPT (từ lớp 10 đến lớp 12), lại là giai đoạn nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT cũng quy định, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Vậy trong thực tế, các em học sinh và gia đình đang lựa chọn nghề nghiệp theo hướng nào?
Là học sinh lớp 10 của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), em Trần Quỳnh Chi vẫn còn khá mông lung với việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Có khả năng thiên phú về âm nhạc, được học piano từ nhỏ nên ở thời điểm hiện tại, nghề nghiệp mà Quỳnh Chi muốn hướng đến là trở thành một giáo viên dạy đàn.
Khác với Quỳnh Chi, em Phạm Thiết Thành (trường Phổ thông Thực nghiệm, Hà Nội) đang ở giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bước vào đại học. “Hiện tại em cũng chưa có dự định cụ thể gì cho nghề nghiệp của mình trong tương lai, nhưng em đang muốn theo học ngành quản trị du lịch và lữ hành và theo đuổi những công việc có liên quan tới ngành này”, Thiết Thành nói. Em cho biết mình lựa chọn ngành nghề theo năng lực của bản thân, bởi theo em, theo đuổi những công việc mà bản thân có tiềm năng phát triển sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện phát huy năng lực.
Chị Phạm Hương Lan có con đang theo học tại trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) chia sẻ, con chị đang học lớp 11 nên vẫn còn thời gian để tiếp tục xin tư vấn và lựa chọn ngành nghề cho tương lai. Chị cũng tích cực tìm hiểu nhiều kênh thông tin để đồng hành với con trong bước ngoặt quan trọng sắp tới. Theo chị Lan, cả chị và con đều rất cần sự hỗ trợ định hướng nghề nghiệp từ các chuyên gia, nhà giáo… hay thông qua các tài liệu tham khảo.
… đến sách giáo khoa
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình – Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống – NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, quán triệt những yêu cầu cần đạt của mạch nội dung hướng nghiệp trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 12, sách giáo khoa đã có những nội dung nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh trước ngưỡng cửa đại học và công việc trong tương lai.
Trong đó, các em có thể tìm hiểu về xu hướng phát triển nghề nghiệp ở xã hội hiện đại và rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các em cũng được giúp lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp.
Để đưa ra lời khuyên cho học sinh lớp 12 khi lựa chọn công việc phù hợp, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các em thành công và hạnh phúc trong cuộc đời. Vì vậy, các em cần nắm được xu hướng phát triển nghề nghiệp trong xã hội hiện đại và phân tích được những thông tin cơ bản về thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; đồng thời phân tích được các thông tin nghề nghiệp, thông tin về các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở tự xác định những phẩm chất, năng lực, hứng thú, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề nào đó, các em học sinh cũng cần tham khảo ý kiến của gia đình, thầy cô, chuyên gia… làm cơ sở cho việc chọn hướng học tập nghề nghiệp để đưa ra được các quyết định lựa chọn nghề, nhóm nghề hoặc lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp.
Tiếp đó, các em cần xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện một số phẩm chất, năng lực phù hợp với nghề định lựa chọn; đồng thời chuẩn bị tâm lí thích ứng với môi trường làm việc hoặc học tập tương lai, tâm thế sẵn sàng bước vào thế giới nghề nghiệp, sẵn sàng tham gia và hoà nhập với lực lượng lao động xã hội.
“Các em cũng cần có bản lĩnh vượt qua những trở ngại trong quá trình thực hiện đam mê, theo đuổi nghề yêu thích để có thể tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) giúp các em rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá được sự phù hợp của nghề với khả năng và sở thích của bản thân; xác định những phẩm chất, năng lực, hứng thú, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề lựa chọn; rèn luyện được một số phẩm chất và năng lực phù hợp với nghề định lựa chọn và có thể chuyển đổi nghề khi cần thiết; tự tin về bản thân và tự tin với định hướng nghề nghiệp của mình.