Theo các chuyên gia, việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp năm 2025 đóng vai trò quan trọng để xét tuyển vào ĐH năm 2025. Trong bối cảnh hiện nay, học sinh (HS) nên chọn môn thi tốt nghiệp theo định hướng nào là điều nhiều phụ huynh và HS băn khoăn.
Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Chọn môn thi tốt nghiệp để vào được nhiều ngành ở ĐH nhất” do Báo Thanh Niên thực hiện chiều 3.12. Chương trình được trực tuyến tại các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
ĐỔI MỚI THI TỐT NGHIỆP THPT
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Song song đó, Bộ cũng công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non. Cả hai văn bản trên đều có nhiều điểm mới tác động trực tiếp tới HS đang học lớp 12, đặc biệt trong lựa chọn môn thi tốt nghiệp.
Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận một số điều chỉnh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH hiện đang trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức. Dù chỉ dự thảo nhưng thông tin về bức tranh thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH đã được định hình khá rõ. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có khá nhiều thay đổi so với trước đây và dẫn đến nhiều thay đổi trong kế hoạch xét tuyển các trường ĐH.
Năm 2025, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó thí sinh (TS) thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Không chỉ giảm số lượng môn thi và cách tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT so với trước đây, thay đổi đặc biệt còn ở đề thi.
THAY ĐỔI TỔ HỢP XÉT TUYỂN Ở ĐH
Về tuyển sinh ĐH, theo văn bản dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh Bộ đang lấy ý kiến, xét tuyển sớm là một nội dung dự kiến có điều chỉnh mạnh so với trước đây. Bên cạnh đó, những điểm mới liên quan trực tiếp tới TS còn sự thay đổi tổ hợp xét tuyển trong năm tới.
Chia sẻ trong chương trình, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết các năm trước đây trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển chính gồm: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và 2 phương thức xét dựa vào điểm học bạ THPT. Năm 2025, trường cũng dự kiến các phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và phương thức trong giai đoạn xét tuyển sớm. Trường sẽ công bố cụ thể phương thức tuyển sinh sau khi có quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương từ phía Bộ GD-ĐT trong công nhận phương thức tuyển sinh đa dạng, đảm bảo cơ hội xét tuyển đa dạng cho HS. Trong đó, riêng phương thức xét tuyển học bạ, dự thảo yêu cầu các trường xét cả điểm năm lớp 12 của HS, điều chỉnh này cần thiết. “Nếu dự thảo thành chính thức, năm 2025 trường dự kiến sẽ có 4 phương thức: điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi V-SAT và kết quả học bạ theo tổng điểm 3 môn năm lớp 12”, thạc sĩ Phương chia sẻ.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết đến thời điểm này trường cũng có phương án dự kiến các phương thức xét tuyển cho năm 2025. Cụ thể gồm: xét dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét điểm các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; xét tuyển thẳng. Trường đã dự kiến phương án này và sẽ công bố khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh chính thức. Riêng về định hướng xây dựng tổ hợp môn xét tuyển, thạc sĩ Trị chia sẻ: “Trường sẽ cân đối tổ hợp môn xét tuyển để TS có sự lựa chọn tốt nhất, nhưng cơ bản giữ ổn định so với năm trước”.
CHỌN TỔ HỢP MÔN THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Liên quan đến lựa chọn môn thi, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận: “Thực ra việc HS nên lựa chọn môn nào để thi tốt nghiệp và các trường ĐH lựa chọn môn nào để xét tuyển là vấn đề khá phức tạp trong năm tới”. Từ phía người học, tiến sĩ Nghĩa cho rằng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, HS đã lựa chọn môn học từ năm lớp 10. Do đó việc HS chọn 2 môn tự chọn để thi tốt nghiệp thời điểm này, thực chất lựa chọn lại lần nữa trong số các môn HS đã chọn học từ lớp 10. Do đó, không phải HS nào cũng có thể chọn 4 môn thi tốt nghiệp theo 36 cách lựa chọn khác nhau khi kết hợp tất cả 9 môn tự chọn”.
Tiến sĩ Nghĩa phân tích thêm: “Vậy các trường ĐH đưa ra tổ hợp môn xét tuyển như thế nào để phù hợp với sự lựa chọn của HS, đặc biệt khi có những môn học mới như: tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật? Liệu các trường có đưa ra tổ hợp môn xét tuyển có các môn mới này không?”. Giải đáp câu hỏi trên, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Đến thời điểm này, có lẽ cả HS và trường ĐH đều đang “nhìn nhau”. Các trường ĐH không biết HS đang chọn môn thi tốt nghiệp theo hướng nào để đưa ra tổ hợp xét tuyển phù hợp. Ngược lại, HS thì không biết các trường xét tuyển theo tổ hợp nào để chọn môn thi phù hợp. Do vậy, cần tìm một giải pháp phù hợp cho HS cũng như các trường ĐH khi tham gia xét tuyển”.
Tiến sĩ Nghĩa đề xuất: “Một giải pháp chung dung có thể đưa ra là trường ĐH xét tuyển theo tổng điểm thi tốt nghiệp 4 môn của HS, tránh tình trạng đưa ra tổ hợp xét tuyển mà ít TS sử dụng. Hoặc các trường đưa ra 36 tổ hợp xét tuyển mà HS có thể lựa chọn theo các môn thi tốt nghiệp. Tất cả HS đều có thể lựa chọn tổ hợp xét tuyển”. Tuy nhiên, tiến sĩ Nghĩa băn khoăn: “Có một điểm chung ràng buộc ở mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là định hướng nghề nghiệp. Việc cho HS chọn tổ hợp môn nhưng không theo định hướng nghề nghiệp sẽ làm giảm mục tiêu giáo dục của chương trình và giảm mục tiêu định hướng nghề nghiệp khi xét tuyển ĐH”.
CHỌN MÔN THI THEO THẾ MẠNH VÀ YÊU THÍCH NHẤT
Trước băn khoăn nên chọn môn thi theo tổ hợp truyền thống hay tổ hợp chứa môn mới của một phụ huynh (TP.HCM), tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Qua tiếp xúc với HS và phụ huynh, chúng tôi nhận thấy rõ sự băn khoăn này”. Theo tiến sĩ Nghĩa, thống kê trước đây cho thấy có tới 95% HS khi xét tuyển ĐH chọn các tổ hợp xét tuyển truyền thống như: toán – lý – hóa (A00), toán – lý – tiếng Anh (A01), toán – văn – tiếng Anh (D01), văn – sử – địa (C00)… Nhưng hiện nay, với điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp, việc chọn môn thi tốt nghiệp làm sao cho phù hợp với cách xét tuyển của trường ĐH không chỉ băn khoăn của TS mà cả trường ĐH.
“Trong bối cảnh này, nếu các trường ĐH vẫn giữ các tổ hợp truyền thống sẽ có những bất cập khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có thêm các môn học mới như: công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật. Lời khuyên với HS ở thời điểm này là hãy chọn môn thi tốt nghiệp theo môn học thế mạnh, môn yêu thích và có khả năng đạt điểm cao nhất”, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa khuyên.
Các trường ĐH định hướng lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển
Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) định hướng áp dụng 5 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành. Cụ thể gồm: toán – tiếng Anh – ngữ văn, toán – tiếng Anh – vật lý, toán – tiếng Anh – tin học, toán – tiếng Anh – giáo dục kinh tế và pháp luật, toán – lý – hóa.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng định hướng có nhiều hơn các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025. Trong đó, các tổ hợp dự kiến mở rộng thêm các môn mới có trong Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, mỗi tổ hợp vẫn gồm 3 môn theo nguyên tắc có 1 – 2 môn cốt lõi cần có của một ngành học.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhưng đảm bảo nguyên tắc 3 môn trong tổ hợp. Theo đó, vẫn đảm bảo duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024 trong các phương thức có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT phù hợp với các môn thi từ năm 2025. Đồng thời, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp.
Trường ĐH Công thương TP.HCM cũng dự kiến có 4 tổ hợp xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn cho mỗi ngành đào tạo. Trong đó, toán được xem là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính ngân hàng và các ngành kỹ thuật. Ngữ văn là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành có liên quan đến quản trị và xã hội như: quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, luật kinh tế. Tiếng Anh là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến không có nhiều điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển so với năm trước và không có sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển giữa phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng dự kiến xây dựng tổ hợp môn xét tuyển theo tinh thần dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Theo đó, tổ hợp môn có tối thiểu 3 môn, trong đó có môn bắt buộc toán hoặc văn.
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM mong muốn đưa ra phương án để HS lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với môn học lựa chọn bậc phổ thông, đồng thời phù hợp với yêu cầu, đặc thù ngành đào tạo là quan trọng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dinh-huong-chon-mon-thi-tot-nghiep-thpt-185241203202158736.htm