Mặc dù mới qua nửa năm 2023, nhưng những tuyến đường chinh phục đỉnh Everest đã chứng kiến 12 nhà leo núi tử vong và 5 người bị thương. Trong số này có 10 người nước ngoài – con số cao nhất ghi nhận trong lịch sử, cùng 7 người bản địa Nepal dẫn đường, làm việc trên núi.
Mingma Gyalje Sherpa, một thành viên của Imagine Nepal Trek and Expedition, công ty chuyên tổ chức các tour leo núi Everest, cho biết tình hình mùa leo núi năm nay khá tồi tệ. Nguyên nhân chính do thời tiết lạnh quá khắc nghiệt, cũng như sự bất cẩn của những người leo núi. Mingma cho biết năm nay là mùa lạnh nhất anh từng trải nghiệm khi nhiệt độ có thời điểm hạ xuống âm 40 độ C, thấp hơn nhiều so với mức trung bình âm 28 độ C.
Một số người cho rằng biến đổi khí hậu đã kéo theo nhiều kiểu thời tiết và nhiệt độ cực đoan. Ngày càng có nhiều người leo núi phải bỏ mạng hoặc mất tích ở độ cao băng giá. Số khác bị tê cóng hoặc nhiễm trùng do phù phổi, tình trạng suy hô hấp khi ứ quá nhiều dịch trong phổi.
Nhiều ý kiến nhận định nhiều nhà leo núi nước ngoài thiếu sự chuẩn bị cả về thể chất và tinh thần trước khi tham gia hành trình khắc nghiệt này. Mingma cho biết thời tiết băng giá cùng gió lạnh ảnh hưởng đến việc chuyển hàng tiếp tế đến các điểm dừng chân khá cao trên núi, song nhiều du khách mất kiên nhẫn và kiên quyết tiếp tục hành trình.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch leo núi đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty, gây lo ngại về tình trạng cắt giảm các tiêu chí an toàn. Ông Lukas Furtenbach, lãnh đạo công ty Furtenbach Adventures có trụ sở tại Áo, cho rằng hầu hết các trường hợp tử vong có thể tránh được nếu du khách tuân thủ tiêu chuẩn an toàn bắt buộc, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn và vận chuyển oxy.
Ngoài ra, vấn đề người dẫn đường địa phương cũng là một yếu tố đáng kể. Lực lượng này được coi là trụ cột của hoạt động leo núi và luôn thường trực hiểm nguy trong quá trình vận chuyển thiết bị, đồ ăn, sửa dây leo và sửa thang leo núi. Nhu cầu cứu hộ trên đỉnh Everest tăng cao đồng nghĩa cần thêm nhiều nhân viên hơn. Song người Sherpa bản địa dường như đã kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần, một số người bỏ việc và điều này càng tạo áp lực đối với những người còn lại.
Nhìn lại lịch sử, 16 người dẫn đường Nepal đã thiệt mạng trong một trận lở tuyết năm 2014, buộc các nhà chức trách ban hành lệnh cấm leo núi sau đó. Năm 2015, một trận động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 18 người leo núi cùng gần 9.000 người tại Nepal. Ước tính khoảng 5 nhà leo núi thiệt mạng mỗi năm do thiếu ôxy trên hành trình chạm tới đỉnh Everest.