Tin mới y tế ngày 28/6: Đình chỉ bếp ăn gây ngộ độc thực phẩm
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 1476/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế Hải Phòng về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm, Hải Phòng làm 178 người mắc và 127 phải nhập viện để điều trị.
Đình chỉ bếp ăn Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm khiến 127 người ngộ độc phải nhập viện
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Hải Phòng khẩn trương chỉ đạo các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Đề nghị phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Cùng đó, tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Liên quan đến sự việc xảy ra tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm (Công ty Sông Cấm) làm hơn trăm công nhân nhập viện, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tính đến thời điểm này đã có 178 công nhân của Công ty Sông Cấm phải cấp cứu vì có triệu chứng ngộ độc.
Trong số này, có 69 công nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, 30 công nhân cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, 28 công nhân cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện An Dương và 51 công nhân có triệu chứng nhẹ được nằm theo dõi tại công ty.
Theo thông tin của thông tin của công ty, bữa ăn trưa hôm nay có 802 suất và bắt đầu phục vụ ăn lúc 11h30 với 2 thực đơn cho công nhân và cán bộ công ty tùy ý lựa chọn; trong đó thực đơn 1 gồm các món thịt gà nấu sáo, lạc chao dầu, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm trắng, dưa hấu; Thực đơn 2 gồm: cá biển kho, chả lá nốt, bí xanh luộc, canh rau ngót, cơm trắng, dưa hấu.
Sau khi ăn xong bữa trưa được 30 phút, công nhân nghỉ ngơi. Khoảng 13 giờ, phía Phòng An toàn lao động báo khẩn có nhiều công nhân có biểu hiện ngộ độc, mặt nóng ran, đau đầu, tức ngực, khó thở, nổi mẩn ngứa và buồn nôn…. Ngay sau khi nhận tin trên, công ty liên lạc ngay Trung tâm y tế huyện An Dương (nơi công ty hoạt động) để nhờ hỗ trợ cấp cứu.
Theo đó, công ty bố trí các phương tiện chở hơn trăm công nhân đến các cơ sở y tế như Trung tâm Y tế An Dương, Trung tâm Y tế Thủy Nguyên và Bệnh viện Đa khoa quốc tế, Bệnh viện Việt Tiệp.
Còn 50 công nhân triệu chứng nhẹ được đưa lên phòng nghỉ của công ty được Trung tâm Y tế An Dương đưa nhân lực sang sơ cứu, xử lý tại chỗ. Đến khoảng 14h30, số công nhân này đã tỉnh táo, trở lại làm việc bình thường.
Hướng dẫn triển khai theo dõi Glucose máu liên tục cho người bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường đang là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.
Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần.
Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục được Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam ban hành trong đó nêu rõ những bước cụ thể để chuyên viên y tế và người mắc đái tháo đường thực hiện theo dõi đường huyết liên tục.
Theo hướng dẫn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hệ thống theo dõi đường huyết liên tục sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong dịch mô kẽ trong suốt một khoảng thời gian nhất định, từ đó thể hiện mức đường huyết ước tính liên tục theo thời gian.
Hướng dẫn này hỗ trợ y bác sĩ bằng cách liệt kê các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục và hướng dẫn sử dụng; chỉ định và chống chỉ định; các chỉ số quan trọng, đặc biệt ở người già và phụ nữ mang thai; cũng như các phân tích dữ liệu.
Hướng dẫn cũng giúp người bệnh đái tháo đường hiểu tổng quan về theo dõi đường huyết liên tục, cách thiết bị hoạt động và cách sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục.
Dựa trên hướng dẫn này, các cán bộ y tế sẽ tiếp tục xây dựng quy trình triển khai theo dõi đường huyết liên tục cho bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-286-dinh-chi-bep-an-gay-ngo-doc-thuc-pham-d218775.html