Mới đây, 12 học sinh trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma có cuộc gặp gỡ ý nghĩa với học sinh trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tại chương trình “Tết sẻ chia 2025”. Các em có 3 ngày cùng sinh hoạt, học tập và trải nghiệm hoạt động Tết với học sinh Thủ đô.
Lần đầu đặt chân đến Hà Nội, Giàng Thị Nga (học sinh lớp 8A1, dân tộc H’Mông) choáng ngợp bởi những toà nhà cao tầng, ánh đèn đường lung linh, phố xá đông đúc, nhộn nhịp.
Nhà cách trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma hơn 7km, hằng tuần, cứ đến Chủ nhật, Nga lại cùng các bạn đi bộ hơn 2 tiếng để đến trường. Là con út trong gia đình 4 anh chị em, Nga luôn tự ý thức cố gắng học tập, công việc ổn định, có thu nhập để phụ giúp bố mẹ. Hơn hết, nữ sinh khao khát được đi học để không phải lấy chồng sớm như đa số phụ nữ dân tộc H’Mông.
“Lấy chồng sớm khổ lắm, bởi sau đó phải sinh con rồi cả đời chỉ biết làm nương. Em muốn được làm giáo viên”, nữ sinh nói và ước một ngày không xa được quay lại Hà Nội để học, được tiếp xúc với môi trường văn minh, nhiều kiến thức hơn.
Nếu Nga ước được về Hà Nội học thì Hoàng Thị Trang (học sinh lớp 8, dân tộc Thái) lại ước sẽ mang những món ăn ngon, không khí Tết Thủ đô về cho bố mẹ và em trai.
3 ngày tham gia chương trình “Tết sẻ chia 2025” cùng thầy cô, học sinh trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Trang được trải nghiệm các trò chơi dân gian, nặn tò he, viết chữ thư pháp, tham quan địa danh nổi tiếng ở Hà Nội…
“Em ấn tượng nhất với món bánh tôm và phở cuốn. Lần đầu được ăn những món ngon này, hương vị thật sự rất khó quên. Em đã lên mạng đọc và hi vọng Tết về sẽ làm cho bố mẹ cùng ăn. Em cũng ước một lần nữa được cùng gia đình về Hà Nội để tham quan và thưởng thức những món ngon khác. Chắc chắn bố mẹ sẽ rất thích”, Trang tâm sự.
Các em học sinh vùng cao chia sẻ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng tại chương trình Tết sẻ chia 2025.
Trong khi đó, Giàng Thị Hờ, học sinh lớp 9A2 thích thú khi lần đầu tiên được tham quan Hồ Tây, Hồ Gươm, Văn Miếu và những hoạt động trang trí Tết, món ăn truyền thống của Hà Nội.
“So với bản làng, em thấy các bạn ở Hà Nội thật khác biệt. Nhiều bạn được đi học bằng ô tô, được ăn ngon, quần áo đẹp trong khi nhiều bạn trong lớp – ngay cả bản thân em, nhiều khi phải đi bộ vài giờ đồng hồ mới tới trường”, Hờ nói.
Bố mẹ đều làm nông, gia đình khó khăn nên Tết của Hờ ở quê cũng đơn giản chỉ có giã bánh giày, bánh rán, chút thịt gà, thịt lợn. Do vậy khi được thưởng thức những món ngon trong mâm cỗ cổ truyền Hà Nội, Hờ rất ấn tượng và ước có thể mang về cho bố mẹ được thưởng thức.
Hờ cũng dự định sẽ mua một chùm nho mang về để bố mẹ và em trai cùng ăn. Đây sẽ là lần đầu tiên cả nhà được ăn nho. Ngoài ra, nữ sinh cũng ước có tiền để mua cho em trai cặp sách mới, mua cho bố mẹ chiếc khăn len mới.
Cô Văn Thuỳ Dương chia sẻ cùng 12 học sinh vùng cao.
Cô Văn Thuỳ Dương, Phó hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh xúc động, 12 em là 12 điều ước. Không quá cao sang, các em chỉ ước những điều bình dị. “Em thì ước mua cho mẹ chiếc áo mới, em lại ước mua cho em trai món bánh ngon, thậm chí có em còn ước được một lần cùng cả nhà xuống Hà Nội tham quan”, cô Dương nói.
Chỉ 3 ngày gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đọng lại trong lòng cô trò trường Lương Thế Vinh vô vàn nỗi trăn trở và khâm phục nghị lực học tập, thái độ biết yêu thương của những học sinh vùng cao. Các em không ước cho mình, mà ước cho những người thân trong gia đình. Cô cho rằng, tinh thần ấy giá trị hơn bất cứ món quà gì trên đời và học sinh trường Lương đã học hỏi được rất nhiều điều từ những người bạn mới.
Phó Hiệu trưởng nhà trường nói thêm, thông qua chương trình “Tết sẻ chia 2025”, nhà trường mong muốn được nhận nuôi, đồng hành cùng các em học sinh vùng cao có thành tích học tập tốt. Nhà trường sẽ tài trợ toàn bộ học phí, sinh hoạt phí đến khi các em vào đại học.
Các em học sinh vùng cao trải nghiệm các trò chơi dân gian, phong tục trong Tết cổ truyền.
Chị Phan Thị Sen, phụ huynh học sinh tại trường, đồng thời là người nhận chăm sóc 2 bạn học sinh vùng cao, chia sẻ: “Được đồng hành cùng các em trong những ngày qua đã dạy cho tôi và gia đình những bài học quý giá về lòng biết ơn, sự sẻ chia và giá trị của những điều giản dị. Qua hành trình này, chính con trai tôi cũng trưởng thành hơn, hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc sống yêu thương và trách nhiệm”.
Năm nay, thầy và trò trường THCS – THPT Lương Thế Vinh gói hoàn thiện khoảng 3.000 bánh chưng gửi tặng đi khắp các điểm trường khó khăn khu vực phía Bắc.
Chương trình “Tết sẻ chia” tiền thân là ngày hội gia đình do nhà giáo Văn Như Cương sáng lập, nhằm mục đích cho học sinh tham gia những hoạt động chuẩn bị Tết cổ truyền cùng cha mẹ, gắn kết với gia đình. Một trong những hoạt động truyền thống tại ngày hội là mỗi học sinh, thầy cô giáo sẽ tự tay gói những chiếc bánh chưng để gửi tặng học sinh vùng cao khó khăn.
Hơn 8 năm qua, những chiếc bánh chưng được chính học sinh gói tại chương trình “Tết sẻ chia” được trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn từ vùng cao đến những người nghèo trong các bệnh viện.
Với thông điệp “Trao yêu thương, nhận hạnh phúc”, chương trình Tết sẻ chia không chỉ mang lại những ký ức đẹp mà còn nuôi dưỡng trong mỗi học sinh lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết.
Nguồn: https://vtcnews.vn/dieu-uoc-binh-di-cua-nhung-dua-tre-vung-cao-lan-dau-dat-chan-den-thu-do-ar921476.html