Ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng là ba phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến với người suy thận giai đoạn cuối.
Suy thận giai đoạn cuối (giai đoạn 5) là khi bệnh nghiêm trọng nhất. Thận tổn thương rất nặng, mất gần hết hoặc mất hoàn toàn chức năng. Độ lọc cầu thận (lượng máu được lọc qua thận trong một đơn vị thời gian, thường tính bằng phút) ở mức kém nhất (dưới 15mL/ph/1,73 m2).
Thận lọc yếu khiến những chất dư thừa, chất độc tích tụ và gây hại cho cơ thể, nhất là hệ tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được thay thận kịp thời.
BS.CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó trưởng khoa Nội thận, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết để kéo dài sự sống, bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Tùy tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế, bác sĩ đưa ra các phương án phù hợp để người bệnh và thân nhân lựa chọn.
Chạy thận nhân tạo (lọc máu nhân tạo) là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bằng một loại máy chuyên dụng. Phương pháp này còn được chỉ định cho người suy thận cấp thường do ngộ độc.
Máy lọc máu bơm máu của người bệnh qua bộ lọc, rồi đưa máu trở lại cơ thể. Màng lọc của máy giữ lại những tế bào máu, protein và các chất quan trọng khác, loại bỏ những chất thải như ure, creatinin, kali, chất lỏng thừa ra khỏi máu.
Ưu điểm của phương pháp là giúp người bệnh kiểm soát huyết áp và duy trì cân bằng chất lỏng, khoáng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh phải tới bệnh viện ba lần mỗi tuần để lọc máu. Quá trình có thể gây ra biến chứng như tắc nghẽn mạch máu, hạ huyết áp, mất máu.
Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc.
Màng bụng có diện tích gần bằng diện tích của cơ thể, khoảng 1-2 m2. Dịch lọc được đưa vào ổ bụng để thực hiện quá trình trao đổi chất giữa máu và dịch lọc qua ba cơ chế khuếch tán, siêu lọc và hấp thu. Các chất chuyển hóa và nước dư thừa sẽ qua màng bụng, thải ra ngoài khi thay dịch. Người bệnh cần lọc màng bụng hàng ngày, có thể tự thực hiện bằng tay hoặc bằng máy.
Phương pháp này khá đơn giản, có thể thực hiện ở nhà hoặc nơi không có máy chạy thận nhân tạo. Người bệnh tái khám hàng tháng và nhận dịch lọc cùng thuốc. Lọc màng bụng phù hợp với nhiều người, nhất là người đi học, đi làm. Người bệnh không cần kiêng khem quá nhiều trong ăn uống.
Tuy nhiên, sau lọc màng bụng, người bệnh có thể đối mặt các nguy cơ như hạ huyết áp do siêu lọc rút ra nhiều dịch, tăng đường huyết, viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường ra của ống thông do không tuân thủ quy trình được hướng dẫn khi thực hiện tại nhà.
Theo bác sĩ Thanh, hai phương pháp trên phổ biến nhất hiện nay, có thể kết hợp trong quá trình điều trị.
Ghép thận là lựa chọn điều trị tốt nhất, tăng cơ hội sống lâu và khỏe mạnh hơn cho người suy thận giai đoạn cuối. Theo bác sĩ Kim Thanh, tỷ lệ thành công của phương pháp này cao. Quả thận khỏe mạnh thay thế cho quả thận đã mất chức năng. Nguồn thận cấy ghép có thể từ người cho còn sống (thân nhân hay không phải thân nhân) hoặc người đã chết não.
Trước khi ghép, người bệnh có thể đã hoặc chưa điều trị thay thế thận bằng lọc màng bụng hoặc lọc máu nhân tạo. Nếu ghép thành công, bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường, chất lượng cuộc sống tốt hơn các phương pháp khác.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Kim Thanh, người bệnh cần uống thuốc chống thải ghép suốt đời, nguy cơ thải ghép với tạng hiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chi phí phẫu thuật cao, nguồn tạng hiến khá khan hiếm.
Hoàng Liên Sơn
Độc giả có thắc mắc về bệnh thận, gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.