Những vấn đề này đã được giải đáp trong chương trình Tư vấn trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai: Thông tin mới về thi và xét tuyển bằng đánh giá năng lực” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 2.4, được phát trực tiếp tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.
THI CẢ 2 ĐỢT ĐỂ CÓ CƠ HỘI ĐẠT ĐIỂM CAO
Có mặt tại chương trình, thạc sĩ Phạm Thị Bích, Phó giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực thu hút 96.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, đông nhất từ trước đến nay. Kết quả của kỳ thi hiện được 105 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc sử dụng để xét tuyển.
Thạc sĩ Bích thông tin: “Từ năm 2018 đến nay, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM về cơ bản giữ ổn định về cấu trúc và độ khó. Để làm tốt bài thi, các em nên tham khảo đề thi mẫu đã công bố. Theo đó, kiến thức trong đề không tập trung ở một môn học nào hay một năm học nào, mà các em cần nắm vững kiến thức ở tất cả các môn học từ lớp 10 đến lớp 12 và biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống”.
Theo thạc sĩ Bích, hiện nay có nhiều nơi quảng cáo luyện thi đánh giá năng lực nhưng các trung tâm đó đều không thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Vì thế, TS chỉ cần cố gắng nắm vững kiến thức đã học. “Những TS đạt điểm cao từ trước đến giờ phần lớn đều tự tích lũy kiến thức và có kế hoạch học tập phù hợp”, thạc sĩ Bích cho hay.
Một TS gửi câu hỏi tới chương trình: “Em đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, tuy nhiên em cảm thấy chưa đủ tự tin để dự thi. Em có nên vẫn đi thi hay không? Nếu điểm thấp thì em có được thi tiếp đợt 2 hay không, và đề thi của 2 đợt có tương đương nhau?”.
Thạc sĩ Phạm Thị Bích khẳng định đề thi của cả 2 đợt sẽ có độ khó tương đương nhau. “Các em hoàn toàn có thể đăng ký dự thi cả 2 đợt và sẽ được sử dụng kết quả cao hơn để xét tuyển. Sau khi thi đợt 1, ngày 15.4 các em sẽ biết được kết quả thi. Lúc này, các em tìm hiểu đề án tuyển sinh của các trường để biết được điểm của mình có phù hợp với ngành mình mong muốn hay không. Nếu chưa thì từ kinh nghiệm làm bài của đợt 1, các em sẽ xây dựng lộ trình học tập phù hợp để có chiến lược làm bài đạt điểm cao hơn ở đợt 2”, thạc sĩ Bích đưa ra lời khuyên.
CÁC TRƯỜNG XÉT TUYỂN RA SAO?
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đánh giá những năm gần đây có xu hướng tăng hồ sơ xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Lý do là vì tham dự kỳ thi này TS có tâm lý nhẹ nhàng hơn, ít căng thẳng và đề thi đánh giá toàn diện về tư duy logic, khả năng ngôn ngữ, hiểu biết xã hội.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết hiện nay các trường ĐH sử dụng gần 20 phương thức xét tuyển vào ĐH. Trong đó, tất cả những phương thức không sử dụng xét điểm THPT gọi là phương thức xét tuyển sớm, như phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực.
“Năm 2023, toàn quốc có 2,57% TS trúng tuyển theo phương thức dùng điểm thi đánh giá năng lực. Nghĩa là trong số 547.000 TS thì có 14.100 TS trúng tuyển. Năm 2024 dự đoán số lượng này cũng tăng lên”, tiến sĩ Hải thông tin.
Trường ĐH Duy Tân dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Riêng khối ngành sư phạm và sức khỏe, nếu các em dùng điểm này để xét thì phải có học lực loại giỏi lớp 12 hoặc có điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên”, tiến sĩ Hải cho biết.
Với ĐH Quốc gia TP.HCM, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm 45% tổng chỉ tiêu, đây là một trong 2 phương thức chiếm chỉ tiêu cao nhất. Mỗi trường thành viên có thể đưa ra một chỉ tiêu khác nhau.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, nhận định số lượng TS đăng ký xét bằng điểm thi đánh giá năng lực vào các trường ĐH ngày càng tăng. Theo thạc sĩ Nguyên, tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, năm 2024 tuyển 6.610 chỉ tiêu thì có 25% cho phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT; 5% cho phương thức dùng điểm đánh giá năng lực; và 70% xét học bạ. Sau khi có kết quả thi đợt 1, trường sẽ nhận hồ sơ với mức điểm sàn khoảng 600.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (điểm nhận hồ sơ là 70) và ĐH Quốc gia TP.HCM (điểm nhận hồ sơ là 550). Trường đang nhận hồ sơ xét học bạ và thời gian tới khi có điểm thi đợt 1 sẽ nhận hồ sơ xét điểm đánh giá năng lực.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM SAU KHI TRÚNG TUYỂN SỚM
Một vấn đề rất nhiều học sinh thắc mắc: Nếu trúng tuyển bằng phương thức xét điểm đánh giá năng lực, có phải là đợi đến ngày nhập học hay không? Thạc sĩ Phạm Thị Bích lưu ý: “Khi đăng ký xét tuyển sớm và có kết quả trúng tuyển có điều kiện, các bạn vẫn phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và đảm bảo đậu tốt nghiệp. Đặc biệt, khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống xét tuyển thì các em vẫn phải vào đăng ký nguyện vọng. Ngay từ đầu các em nên chọn các ngành mà mình thực sự yêu thích, đam mê, để sau này được trúng tuyển chính thức vào ngành đó”.
Theo thạc sĩ Bích, từ năm 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM mở cổng đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và hiện có hơn 70/105 trường sử dụng hệ thống này. TS có thể đăng ký xét tuyển lên hệ thống sau khi có điểm.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh không phải ngành nào cũng dùng điểm đánh giá năng lực để xét tuyển, ví dụ ngành kiến trúc của Trường ĐH Duy Tân không xét phương thức này. “Vì thế, các em cần nắm rõ thông tin về các ngành, các phương thức tuyển sinh của mỗi trường ĐH. Bên cạnh đó, trong những đợt xét tuyển sớm, các em có thể trúng tuyển rất nhiều ngành vào rất nhiều trường nhưng khi lên hệ thống việc xét tuyển mới chính thức và các em chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng”, tiến sĩ Hải lưu ý.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng nhắc TS sau khi trúng tuyển có điều kiện bằng điểm đánh giá năng lực thì phải lên hệ thống của Bộ GD-ĐT đặt ngành học này lên nguyện vọng 1 mới chính thức trúng tuyển.