Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ phải “cơ bản hoàn thành trong năm 2025”.
Thể chế cũng được xác định là “điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước” để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ hệ trọng, phức tạp và nhiều thách thức không chỉ với riêng Việt Nam bởi sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã, đang và sẽ còn tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, cuộc sống con người, làm biến chuyển sâu sắc cách thức tổ chức xây dựng, thực thi pháp luật và quản trị quốc gia.
Với Nghị quyết số 57, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được xác định là “đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính” để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Theo đó, hoàn thiện thể chế để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới không chỉ “khoanh lại” trong các lĩnh vực này, không chỉ là rà soát, sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao hay ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số… mà còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác, nhất là pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế, cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực…
Nói cách khác, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung tổng thể các luật, trong đó xác định đúng vai trò, vị thế của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “đột phá quan trọng hàng đầu”, là “động lực chính” như Nghị quyết đã nêu rõ; đồng thời, phải xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng có khi “mở” ở pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhưng lại “đóng” ở các luật khác liên quan khiến cho cơ chế, chính sách dù có nhưng không thực thi được hoặc thực thi chưa hiệu quả.
Ngay trong Nghị quyết số 57 cũng đã thể hiện tinh thần đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như: có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan; hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả; có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài… Như vậy, thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị định, thông tư được ban hành mới hay sửa đổi tới đây đều phải “ngấm” rất kỹ tinh thần và các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 57.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay có thể thấy, nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Quốc hội, Chính phủ đã dành ưu tiên cao cho việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan, tạo điều kiện để thực hiện công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số… Trong đó, với việc trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại Kỳ họp thứ Tám, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong xây dựng luật cho lĩnh vực này. Nhưng thực tế cũng cho thấy, cách thức tiếp cận, tư duy xây dựng pháp luật cho lĩnh vực này vừa qua vẫn chưa thực sự đột phá, vẫn còn e ngại, thậm chí là thận trọng quá mức, có những việc sợ mở ra thì không quản lý được nên cứ “cấm cho lành”…
Đây cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tới đây. Nói cách khác, thể chế là điều kiện tiên quyết thì tư duy mở, cách tiếp cận sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, thực sự “cởi trói”… có thể nói là “tiên quyết của tiên quyết” để thể chế hóa được đầy đủ tinh thần đột phá, tính cách mạng của Nghị quyết số 57, để thể chế thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56754