Gói trừng phạt mới với nhiều vấn đề khó và nhạy cảm, đang khiến các nước thành viên chia rẽ. Một số quốc gia thành viên EU lo ngại, đề xuất mới đi quá xa và sẽ phản tác dụng và thất bại.
Gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Moscow: ‘Điều khoản không có Nga’ bị phản đối từ ‘trong trứng’, các thành viên EU bất đồng. (Nguồn: Interfax) |
Các thành viên EU đang nghiên cứu các thành phần trong gói trừng phạt mới nhất đối với Nga, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và thúc đẩy, trong đó “Điều khoản không có Nga” đang gây tranh cãi nhiều nhất, về giới hạn tài chính trả đũa và việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa sử dụng cá nhân.
Đây sẽ là gói trừng phạt Nga thứ 12, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, nhằm tìm cách khắc phục nhiều lỗ hổng trong các gói hạn chế trước, khiến không chỉ Moscow mà các đối tác của nước này có thể lợi dụng lách lệnh trừng phạt.
Gói trừng phạt mới với nhiều vấn đề khó và nhạy cảm, đang khiến các nước thành viên chia rẽ. Một số nhà ngoại giao từ các nước thành viên lớn trong khối cũng đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp này, nghi ngờ về tính hợp pháp của chúng và đặt câu hỏi, liệu việc yêu cầu đảm bảo và các điều khoản từ nhà nhập khẩu có khả thi hay không. Các nước vùng Baltic vẫn ra mặt ủng hộ các đề xuất này của EC.
Một số quốc gia thành viên EU lo ngại, đề xuất mới đi quá xa và sẽ phản tác dụng đối với thương mại toàn cầu của EU và điều cuối cùng rất quan trọng – nhiều khả năng vẫn sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Một số nước cho biết, tại cuộc họp đại sứ tuần này, Điều 12G trong đề xuất gói trừng phạt thứ 12 chống lại Nga – được gọi là “Điều khoản không có Nga”, có khả năng tạo ra sự tàn phá đối với các công ty châu Âu trên toàn cầu.
Theo các đề xuất được đưa ra tại cuộc họp, các nhà xuất khẩu EU sẽ buộc phải đưa ra lệnh cấm tái xuất sang Nga đối với tất cả hàng hóa trong danh sách mã hải quan của EC, bao gồm nhiều hạng mục hàng hóa sử dụng hàng ngày, hơn là những mặt hàng có ích cho quân sự đối với Nga.
Người mua hàng cũng có thể bị bắt buộc phải gửi một khoản tiền vào tài khoản ký quỹ để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu.
Như vậy, “Một doanh nghiệp nhỏ ở Brazil cũng sẽ phải thực hiện các hợp đồng trong một hệ thống các điều lệ phức tạp như vậy… Cuộc thảo luận nên tập trung vào những mặt hàng có tính chất quan trọng cao”, một nguồn tin đưa ra bình luận, tuy nhiên vẫn từ chối nêu danh tính, do tính nhạy cảm của các cuộc thảo luận.
EC gần đây cũng đã đề xuất cắt giảm thương mại với các quốc gia hiện có thể tái xuất hàng hóa từ EU sang Nga – do đó giúp Moscow bỏ qua các trừng phạt do Brussels áp đặt trong cuộc xung đột với Ukraine.
Được biết, trong phiên bản đề xuất đầu tuần này, một nội dung bổ sung cho gói trùng phạt mới đã được đưa ra nhằm miễn trừ việc sử dụng hàng hóa bị trừng phạt cho mục đích sử dụng cá nhân vì đôi khi gói trừng phạt cũ đã trở thành nguồn lạm thu ở biên giới Nga-EU.
Chẳng hạn, khi công dân mang bất kỳ quốc tịch nào vượt qua biên giới Nga, thì hàng hóa cá nhân của họ có thể bị bắt giữ với lý do dựa trên danh sách các mặt hàng bị trừng phạt vì tạo ra “nguồn thu tiềm năng” cho Nga.
Trong khi EC đã thừa nhận điều này có thể xảy ra với các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, nhưng các nguồn tin khác cho biết, thậm chí hàng tiêu dùng thiết yếu như kem đánh răng cũng bị tịch thu.
Một nguồn tin cho biết, đa số các nước tại cuộc họp đại sứ của khối 27 thành viên EU không ủng hộ các biện pháp được đề xuất. Bởi điều đó sẽ buộc phải có sự cho phép của EU đối với “bất kỳ hoạt động chuyển tiền nào” bởi một thực thể Nga hoặc công dân Nga cư trú tại Nga ra khỏi EU. Các hạn chế được đề xuất bị chỉ trích là gánh nặng vô nghĩa nếu không có ngưỡng mà giao dịch sẽ được miễn trừ.
Đến lúc này, các yếu tố cốt lõi của gói đề xuất – bao gồm, lệnh cấm gián tiếp đối với nhập khẩu kim cương Nga và những thay đổi về cách thực hiện tốt hơn giới hạn giá dầu của Nga do nhóm G7 đặt ra hiện chưa được thảo luận tích cực, do khối này vẫn đang còn chờ động thái mới từ G7, trong vài tuần tới.
Về dầu mỏ, EU và G7 đang cố gắng thắt chặt hoạt động buôn bán dầu của Nga dưới mức trần giá dầu thô là 60 USD/thùng.
Các nước phương Tây cho biết, mặc dù gói trừng phạt có tác dụng được một thời gian, nhưng doanh thu từ dầu mỏ của Nga dường như vẫn đang tăng lên nhờ “hạm đội bóng tối”, gồm các tàu chở dầu, kể cả các tàu phương Tây cũ kỹ ngày càng gia tăng.
EU cũng muốn bổ sung một số sản phẩm kim loại và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào danh sách sản phẩm bị cấm trong gói trừng phạt thứ 12. Ban đầu, đề xuất bao gồm thời gian tạm dừng 3 tháng đối với các hạng mục, nhưng đối với một số sản phẩm sắt và LPG, phiên bản trừng phạt mới nhất được đề xuất kéo dài thời gian lên một năm.