Dù nuôi dạy con thành tài nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy hối tiếc khi chưa thể dạy con những điều quan trọng hơn điểm số.
Là cha mẹ, chúng ta thường tự hỏi liệu mình có đang làm
đúng cho con mình không. Không
ai miễn nhiễm với kiểu suy nghĩ đó.
Margot
Machol Bisnow, nhà văn người Mỹ, tác giả của cuốn “Nuôi dạy một doanh
nhân: Làm thế nào để giúp con bạn đạt được ước mơ”, đã phỏng vấn hàng trăm
doanh nhân trẻ và cha mẹ của họ để tìm hiểu về cách nuôi dạy. Hầu hết các bậc
cha mẹ nuôi dạy những người trưởng thành thành đạt đều đã làm rất tốt.
Tuy nhiên nhiều
phụ huynh thừa nhận rằng có một số điều họ sẽ làm khác đi nếu có thể quay ngược
thời gian.
Điều hối tiếc của cha mẹ có con thành đạt
Quá tập trung vào điểm số và thành tích
Nhiều doanh
nhân thành đạt là những sinh viên giỏi và dễ dàng đỗ các trường đại học hàng đầu.
Nhưng cũng có những người từng bỏ học giữa chừng hoặc không học gì cả.
Theo chuyên
gia, giáo dục là điều quan trong nhưng phải phù hợp với thực tế. Điều này khiến
một số phụ huynh mong muốn con cái được phát triển tự nhiên, có thể trong môi
trường không theo truyền thống thay vì phải chật vật để ra trường, tiêu tốn nhiều
tiền của nhưng không mấy vui vẻ.
Tương tự, một
số phụ huynh nhớ lại việc từng thúc ép con học nhiều hơn, phải tham gia nhiều
hoạt động tại trường để tăng điểm số thay vì khuyến khích theo đuổi sở thích.
“Đến
khi nhìn lại, các bậc phụ huynh nhận thấy khi các con được dành 10.000 giờ để
trau dồi những kỹ năng trong lĩnh vực yêu thích có thể hữu ích khi bắt đầu sự
nghiệp. Dù những hoạt động này có thể không được người lớn đánh giá cao”, Bà
Margot nói.
Tự cảm thấy mình đã kiểm soát quá mức
Tất cả phụ
huynh đều muốn con được an toàn, nhưng kiểm soát quá mức khiến đứa trẻ cảm thấy
ngột ngạt.
Nhiều bậc
cha mẹ từng chia sẻ những hối tiếc rằng: “Tại sao không để con tự lập
hơn?”, “Tôi cảm thấy tệ khi con không độc lập cho đến khi vào đại học.
Tôi nên để chúng làm mọi thứ sớm hơn”.
Có nhiều thuật
ngữ dành riêng để mô tả những phụ huynh kiểm soát con quá mức như helicopter
parents (cha mẹ trực thăng) chỉ những người luôn can thiệp vào mọi quyết định của
con. Hay snowplow parents (cha mẹ dọn tuyết) chỉ những người ra sức dọn sạch
chướng ngại vật trên đường đời của con. Nhưng chính những phụ huynh trên cũng hối
hận về hành động của mình.
“Tôi
nên để con học cách tự giải quyết vấn đề thay vì ra sức hỗ trợ chúng trong mọi
việc” – Một phụ huynh chia sẻ với Margot.
Không giao việc nhà cho con
Khi trở thành cha mẹ, Margot và nhiều phụ huynh nhận thấy
bản thân không giao đủ việc nhà cho con.
Hầu hết họ đều tự làm mọi việc, từ giặt quần áo, làm vườn
hay nấu nướng bởi nghĩ con bận học. Giao thêm việc nhà khiến lũ trẻ bị quá tải.
“Nhưng trớ trêu thay, các con nói từng nói mơ ước được
học các kỹ năng đó từ thời trung học với tôi”, bà Margot nói. Nữ chuyên
gia cũng nhận thấy giao việc nhà cho trẻ giúp chúng trở nên có trách nhiệm, sở
hữu nhiều kỹ năng hữu ích khi ra đời.
Không dạy con chấp nhận rủi ro
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ đã thúc giục con mình phải
thận trọng, phải áp dụng cách tiếp cận “an toàn” thay vì quyết định liều lĩnh.
Nhưng khi thấy các con chấp nhận rủi ro lớn để bắt đầu một
dự án kinh doanh mới, sẵn sàng bán đi thứ họ đã xây dựng hoặc chuyển hướng để
theo đuổi đam mê và thành công, hầu hết phụ huynh đều thấy tự hào.
“Nếu biết điều này sớm hơn, nhiều phụ huynh sẽ khích
lệ các con dám thử, thay vì thu mình trong ‘vỏ ốc’ để đổi lấy sự an toàn”
– Chuyên gia nói.
Cuối cùng, nữ nhà văn Margot muốn nhắn nhủ: Các bậc cha mẹ
chỉ cần yêu thương con vô điều kiện, khuyến khích chúng phát triển thay vì ép
buộc đứa trẻ trở thành phiên bản mình mong muốn.
T. Linh (Theo CNBC)
Nguồn: https://giadinhonline.vn/co-con-thanh-dat-nhung-nhieu-cha-me-hoi-tiec-vi-4-dieu-nay-d203331.html