Sau đây, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ những hậu quả tiềm ẩn đối với sức khỏe khi bạn bỏ bữa sáng.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một phân tích năm 2019 bao gồm 96.175 người tham gia, cho thấy bỏ bữa sáng 4 – 5 ngày/tuần làm tăng 55% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo chuyên trang khoa học ScienceDirect.
Cô Caroline Young, chuyên gia dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Whole Self Nutrition (Mỹ), cho biết: Nhịn ăn qua đêm khiến lượng đường trong máu giảm xuống một cách tự nhiên sau khi thức dậy. Nếu không ăn bữa sáng cân bằng, lượng đường trong máu sẽ tiếp tục giảm. Theo thời gian, điều này dẫn đến sự thay đổi lớn về mức đường huyết, có thể dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
Khó tập trung
Bữa sáng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cung cấp năng lượng cho não. Bỏ qua điều này có thể dẫn đến khó tập trung trong ngày làm việc.
Một nghiên cứu năm 2017 đã nhận thấy bỏ bữa sáng hoặc ăn bữa sáng không lành mạnh làm giảm hiệu suất nhận thức trong ngày.
Giáo sư – tiến sĩ Trista Best, chuyên gia dinh dưỡng, đang làm việc tại Mỹ, cho biết: Bữa sáng cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng thiết yếu cho cơ thể và não. Đối với một số người, bỏ bữa sáng có thể làm giảm hiệu suất nhận thức, gây khó tập trung, khó ghi nhớ và giải quyết vấn đề, theo trang tin Eat this.
Bỏ bữa sáng dẫn đến ăn uống mất kiểm soát hơn
Nhịn bữa sáng có thể gây ra cảm giác thèm ăn dữ dội vào cuối ngày, dẫn đến khả năng ăn quá nhiều và khiến việc ăn uống cân bằng trở nên khó khăn.
Tiến sĩ Sarah Schlichter, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho biết: Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn nhiều hơn hoặc thèm ăn vào cuối ngày khi cơ thể cố gắng bù đắp lượng calo bị thiếu.
Một nghiên cứu cho thấy những người bỏ bữa sáng tiêu thụ nhiều chất đường bột, tổng lượng đường và tổng chất béo nhiều hơn.
Cortisol có thể tăng lên
Theo một đánh giá có hệ thống năm 2021 trên tạp chí khoa học Nutrients, bỏ bữa sáng có thể làm tăng mức hoóc môn căng thẳng cortisol vào buổi sáng, có khả năng làm tăng cảm giác thèm ăn và chất lượng giấc ngủ kém.
Chuyên gia Young cho biết: Bỏ bữa có thể gây căng thẳng về tinh thần và thể chất, khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất điều hòa, kèm theo lo lắng, nhịp tim tăng cao và cáu kỉnh.
Mức năng lượng có thể giảm xuống
Bữa sáng cung cấp nhiên liệu mà cơ thể cần để khởi động quá trình trao đổi chất và có năng lượng cần thiết cho các hoạt động hằng ngày. Bỏ bữa sáng khiến lượng đường trong máu có thể giảm mạnh, gây mệt mỏi, uể oải và cáu kỉnh. Theo một nghiên cứu năm 2021, bỏ bữa sáng có thể làm tăng tình trạng mệt mỏi và giảm chất lượng giấc ngủ, theo Eat this.