Nước dừa tươi ngày càng phổ biến trên thị trường nên không khó để tìm loại đồ uống này. Vào những ngày hè oi bức có một cốc nước dừa tươi vừa giúp làm mát cơ thể lại bù nước, bù khoáng nhanh chóng.
Theo bài đăng trên website của Nhà thuốc Long Châu, nước dừa được chiết xuất từ quả dừa tươi, với bảng thành phần dinh dưỡng bao gồm:
- Nước (khoảng 95 – 97%) – là thành phần chính của nước dừa.
- Đường (khoảng 1,4%): Nước dừa có đường tự nhiên như fructose, glucose và sucrose.
- Khoáng chất (khoảng 0,5%): Nước dừa chứa các khoáng chất như kali, magie, natri, canxi.
- Vitamin (khoảng 0,2%): Nước dừa chứa một số vitamin như vitamin C, vitamin B và vitamin E.
- Chất xơ (khoảng 0,2%): Nước dừa chứa một số chất xơ như lignin, cellulose và hemicellulose.
- Protein và chất béo (khoảng 0,5%): Nước dừa chứa một số lượng protein và chất béo như axit lauric, capric và caprylic.
Với bảng thành phần dinh dưỡng như trên, nước dừa có nhiều công dụng với sức khoẻ nhưng nếu uống nước dừa hàng ngày lại không tốt.
Điều gì xảy ra nếu uống nước dừa mỗi ngày?
Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thị Sơn – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3 chia sẻ trên báo VnExpress, dừa là loại quả dễ tìm và giá thành tương đối rẻ, hương vị thơm mát, ngọt thanh nên được nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên uống nước dừa hàng ngày sẽ có một số tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Đầy bụng
Nếu uống nước dừa liên tục cùng một lúc hoặc uống quá nhiều nước dừa trong một ngày dễ gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơn. Lúc này, dạ dày bị tích tụ nhiều nước khiến bụng căng lên, gây khó chịu.
Hạ huyết áp
Nước dừa có hàm lượng kali dồi dào nên nếu uống quá nhiều hay uống liên tục hàng ngày dễ dẫn tới tình trạng dư thừa kali, làm hạ huyết áp với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt hay thậm chí là ngất xỉu.
Mất cân bằng điện giải
Mất cân bằng chất điện giải hay rối loạn điện giải xảy ra do nồng độ kali và natri trong máu tăng lên/giảm xuống quá mức ăn toàn. Uuống nước dừa liên tục dễ tác động làm biến đổi hai chỉ số này trong máu, khiến tốc độ lưu thông máu chậm, nhịp tim không ổn định.
Nguy cơ tăng đường huyết
Trong khoảng 100ml nước dừa chứa khoảng 5g chất đường bột, nên với người đang điều trị bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng nước dừa uống hàng ngày, nhằm phòng nguy cơ tăng đường huyết và các biến chứng nghiêm trọng.
Tăng áp lực cho thận
Uống nhiều nước dừa khiến số lần tiểu tiện tăng lên với tần suất lớn hơn do thận phải “gắng sức” làm việc để bài tiết, các tế bào nhu mô thận sẽ sưng phồng tạm thời. Hiện tượng này kéo dài, chức năng thận có thể suy giảm.
Với những lý giải nêu trên, có thể thấy nước dừa tốt, mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ nếu được sử dụng đúng lượng, không nên uống nước dừa hàng ngày. Để tốt nhất đối với sức khoẻ, bạn chỉ nên uống 2 – 3 quả dừa mỗi tuần, tức khoảng 500ml là vừa đủ.
Những lưu ý khi uống nước dừa
- Không uống nước dừa đã chua, mùi thiu
- Nước dừa không tốt cho người bị huyết áp thấp vì sẽ gây hạ huyết áp quá nhiều
- Nếu đang mang thai, bạn tuyệt đối không uống nước dừa ở những tháng đầu thai kỳ. Từ tháng thứ 3 trở đi khi thai nhi đã dần ổn định thì mới nên bổ sung nước dừa.