Hai yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu điện thoại là xu hướng giảm lệ thuộc vào Trung Quốc của các công ty smartphone và Mỹ – thị trường nhập khẩu điện thoại nhiều nhất đã tăng cường các đơn hàng từ quốc gia Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2018-2022, thị phần Việt Nam xuất khẩu smartphone sang Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 8,9% lên 19,2%. Để so sánh, Ấn Độ – một quốc gia cũng đang thực hiện chiến lược “Make in India”, chỉ chiếm chưa đến 2% thị phần tại nền kinh tế số một thế giới trong năm 2022.
Số liệu từ UN Comtrade, ITC Trade Map cho thấy, thị phần của Việt Nam cũng tăng nhẹ ở Hồng Kông (Trung Quốc) – nơi nhập khẩu điện thoại thông minh nhiều thứ hai sau Mỹ, lên mức 1,2%.
Trong khi đó, tại Nhật Bản – quốc gia nhập smartphone nhiều thứ tư toàn cầu, Việt Nam nắm 6,2% thị phần, gần gấp 3 lần Ấn Độ.
Ở chiều ngược lại, thị phần xuất khẩu điện thoại của Việt Nam giảm mạnh ở UAE và Đức – các quốc gia lần lượt xếp thứ ba và thứ năm thế giới về nhập khẩu mặt hàng này.
Cụ thể, tại UAE, Việt Nam giảm thị phần từ 32% (năm 2008) xuống còn 13,5%. Trong khi đó, thị trường Đức ghi nhận thị phần của Việt Nam giảm một nửa, từ khoảng 20% xuống còn 10%.
Theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 210 triệu chiếc smartphone, chủ yếu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong năm 2022 đạt gần 58 tỷ USD, tăng hơn 0,8% so với năm trước đó và chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước.
Song, trong đó, khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) chiếm 99,67%, tương đương 57,8 tỷ USD. Về điện thoại nguyên chiếc, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 33,3 tỷ USD – phần lớn đến từ Samsung (chiếm 95%, tương đương 31,4 tỷ USD), nhà sản xuất di động của Hàn Quốc đang có các nhà máy đặt tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.