Quốc hội Pháp hôm 20/3 đã bác bỏ kiến nghị bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, mở đường cho dự luật gây tranh cãi gay gắt về nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64 trở thành luật.
Sự thay đổi đối với hệ thống hưu trí Pháp mà ông Macron đã tìm kiếm kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên vào năm 2017, đã gây ra 2 tháng biểu tình, đình công liên tục và bạo lực không thường xuyên. Nó đã chia rẽ nước Pháp, với các cuộc thăm dò liên tục cho thấy 2/3 dân số phản đối cuộc đại tu hệ thống hưu trí của đất nước.
Giờ đây, với kết quả này, các cuộc biểu tình và sự tức giận trên khắp nước Pháp dường như sẽ không giảm bớt trong những tuần tới. Chúng dường như chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Macron, giống như cách phong trào biểu tình Áo vàng đã đánh dấu nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Điều ẩn sau 9 lá phiếu bị thiếu
Kiến nghị bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Tổng thống Macron – do liên minh các đảng trung hữu và cánh tả đệ trình – đã nhận được 278 phiếu ủng hộ, tức còn thiếu 9 phiếu so với 287 phiếu cần thiết để thông qua.
Trước đó, các nhà phân tích đã nói rằng các đối thủ của ông Macron khó có thể đạt được đủ 287/577 phiếu cần thiết để “hạ bệ” chính phủ Pháp hiện tại. Do đó, điều gây sốc không phải là sự thất bại của kiến nghị bất tín nhiệm trên, mà là kết quả sít sao mà chính phủ của Tổng thống Macron dựa vào để tiếp tục hoạt động.
Kết quả sít sao phản ánh sự giận dữ đang bao trùm cả một quốc gia đối với việc sửa đổi luật hưu trí, đối với “sự xa cách rõ ràng” của ông Macron, và đối với cách chính phủ sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu đầy đủ tại quốc hội.
Theo sau thông báo của Chủ tịch Quốc hội Pháp Yaël Braun-Pivet rằng “kiến nghị bất tín nhiệm không được thông qua”, những tiếng la ó rền vang khắp phòng nghị viện.
Các thành viên của đảng cánh tả cứng rắn France Unbowed (Nước Pháp Bất khuất) đã nhanh chóng giơ cao những tấm biển có nội dung: “Nói không với 64 tuổi”, và “Gặp nhau trên đường phố”.
Ngoài kiến nghị bất tín nhiệm giành được 278 phiếu ủng hộ, kiến nghị bất tín nhiệm thứ hai – do Đảng National Rally (Tập hợp Quốc gia) cực hữu của bà Marine Le Pen đệ trình – cũng thất bại, khi chỉ có 94 nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ.
Chính phủ đã “né được một viên đạn”, bà Le Pen cho biết. Bà là người chỉ trích gay gắt việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Sau khi kết quả bỏ phiếu ngã ngũ, các nhà lập pháp ồ ạt rời khỏi phòng nghị viện, lao xuống cầu thang, đồng thời tuyên bố trước đám đông phóng viên đang chờ đợi ở dưới lầu rằng họ sẽ tiếp tục chiến đấu.
“Chỉ thiếu có 9 phiếu”, bà Mathilde Panot, lãnh đạo của Đảng France Unbowed tại quốc hội, tuyên bố trước một dãy micrô trong căn phòng mạ vàng ở tầng trệt, nơi các phóng viên thường lui tới và các nhà lập pháp phát biểu.
Bà Panot cũng kêu gọi Thủ tướng Elisabeth Borne từ chức, và tóm tắt tình hình là một “cuộc khủng hoảng chính trị mà ông Emmanuel Macron tự tạo ra”.
Lãnh đạo Đảng Socialist (Xã hội) Olivier Faure cho rằng ông Macron không thể tiếp tục như thể cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gay gắt vừa xong chưa hề xảy ra. Ông Faure nói với một nhóm phóng viên khác gần đó: “Nếu ông ấy muốn hít thở một chút oxy, thì ông ấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc bãi bỏ dự luật”.
Đứng ở một góc là ông Pierre-Henri Dumont, một nhà lập pháp thuộc đảng trung hữu Les Republicains (Cộng hòa), những người nắm giữ lá phiếu quyết định. Trong những ngày gần đây, ban lãnh đạo đảng của ông đã cố gắng hết sức để kiềm chế các thành viên “nổi loạn” đang đe dọa giúp “hạ bệ” chính phủ.
Cuối cùng, dù 1/3 thành viên đảng này đã bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm, nhưng điều đó vẫn không đủ để tạo ra sự khác biệt.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Vì các kiến nghị bất tín nhiệm đã thất bại, dự luật cải cách hưu trí của Tổng thống Macron có thể sẽ được thông qua thành luật, và theo đó nâng tuổi nghỉ hưu của hầu hết người lao động từ 62 lên 64 vào năm 2030.
Giờ đây, ông Macron, người không thể tái tranh cử vào năm 2027, tin rằng ông đã đặt nền móng cho những khoản đầu tư khổng lồ vào quốc phòng, năng lượng xanh, trường học và công nghệ cần thiết cho tương lai của nước Pháp. Nhưng với hơn 4 năm còn lại của nhiệm kỳ này, tức từ nay đến năm 2027, ông Macron sẽ phải đối mặt với sự thù địch hơn bao giờ hết.
Các nhà lập pháp phản đối Tổng thống Macron và cuộc đại tu hưu trí của ông đang khám phá các cách thức hợp pháp để cản trở các kế hoạch của ông. Tuy nhiên, không có cách thức nào chắc chắn sẽ hiệu quả.
Một số nhà lập pháp đã bắt đầu một thủ tục cho phép họ khởi động một cuộc trưng cầu dân ý – một quá trình cực kỳ dài và phức tạp chưa từng có kết quả trước đây.
Các nhà lập pháp khác tuyên bố sẽ thách thức luật hưu trí mới trước Hội đồng Hiến pháp, một cơ quan xem xét luật để đảm bảo nó tuân thủ Hiến pháp Pháp – chủ yếu với lý do chính phủ đưa việc cải cách hưu trí vào dự luật ngân sách an sinh xã hội trong khi một số thay đổi về hưu trí không liên quan trực tiếp đến ngân sách.
Nhưng không rõ Hội đồng Hiến pháp cuối cùng sẽ ra phán quyết như thế nào, hoặc họ có thể bãi bỏ phần nào của luật. Cho đến nay, chính phủ Pháp đã bày tỏ sự tin tưởng rằng cốt lõi của luật sẽ đứng vững.
Các nhà lập pháp và lãnh đạo công đoàn khác nói rằng chỉ có làn sóng mới của các cuộc đình công và biểu tình mới thuyết phục được ông Macron không thực hiện cải cách hưu trí của mình.
Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo cánh tả và người sáng lập đảng France Unbowed, cho biết: “Vì quá trình kiểm duyệt của quốc hội không hiệu quả, nên đã đến lúc chuyển sang kiểm duyệt quần chúng”.
Có một tiền lệ: Năm 2006, chính phủ Pháp đã hủy bỏ một điều khoản về việc làm cho thanh niên mặc dù nó đã trở thành luật.
Trong trường hợp này, vẫn còn phải chờ xem liệu ông Macron có chấp nhận áp lực tiếp tục đến từ quần chúng trên đường phố hay không.
Minh Đức (Theo NY Times, CNBC)